(GD&TĐ) - Hội thảo dưới sự chủ trì của Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khai mạc vào ngày 5/1/2013, đã quy tụ được hơn một nghìn đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học trong cả nước trong đó, có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ môn Ngữ Văn của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo chuyên viên các vụ giáo dục Trung học, Vụ giáo dục Tiểu học, Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Dự án phát triển giáo viên và TCCN, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Hội thảo quy tụ trên một nghìn đại biểu trong cả nước |
Đây là lần đầu tiên, vấn đề dạy và học Ngữ văn ở nhà trường Việt Nam được đưa ra bàn thảo trên một diện rộng, với sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện ở nhiều góc độ của các chuyên gia GD, các nhà viết sách, các GS, đội ngũ nhà giáo dạy Ngữ văn giàu kinh nghiệm, đặc biệt là theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về “Đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình và SGK.
Trong diễn văn khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã định hướng 2 mục đích lớn: Một là, nhìn nhận và tổng kết một cách toàn diện việc dạy và học môn Tiếng Việt và Văn học trong phạm vi toàn quốc trên tất cả các phương diện liên quan; Hai là: Từ việc nhận thức bối cảnh và những yêu cầu mới, Hội thảo bước đầu nêu lên những định hướng phát triển của chương trình môn học, từ đó, bàn bạc và góp ý kiến cho việc chuẩn bị điều chỉnh, xây dựng, thiết kế lại CT và SGK môn học này cho giai đoạn sau 2015.
Theo đó, tại Hội thảo, có nhiều báo cáo tham luận liên quan đến các vấn đề: Đánh giá chương trình, sách giáo khoa hiện hành và đề xuất về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015; Đánh giá thực trạng việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay và đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông; Đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn cho các trường phổ thông và đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn tại các trường, khoa sư phạm. Phần thảo luận theo các tiểu ban đã diễn ra sôi nổi và thiết thực sau đó. Báo Giáo dục và Thời đại sẽ có một bài viết tổng thể về những vấn đề đặt ra và giải quyết tại Hội thảo vào ngày mai, 6/1/2013, sau khi kết thúc Hội thảo.
Hồng Thúy