Hội thảo khoa học đang bị biến tướng

GD&TĐ - Nhiều hội thảo khoa học về dược hiện nay nhiều nghệ sĩ tham gia, rồi đưa tin rầm rộ trên các kênh truyền hình và mạng xã hội. Tuy nhiên, hàm lượng khoa học rất ít...

Một hội thảo khoa học có 5 người trong đó 1 MC, 2 nghệ sĩ và 2 chuyên gia “quân ta”.
Một hội thảo khoa học có 5 người trong đó 1 MC, 2 nghệ sĩ và 2 chuyên gia “quân ta”.

Hội thảo khoa học nhiều nghệ sĩ

Từ vài năm trở lại đây, xuất hiện rất nhiều hội thảo khoa học công bố thành tựu nghiên cứu mới về sản phẩm y học, trong đó chủ yếu là lĩnh vực thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, có những hội thảo với thành phần chỉ có 1 - 2 chuyên gia là người có chuyên môn về y học.

Nhưng những chuyên gia này toàn là “quân ta”. Có nghĩa là người nghiên cứu tự nói tốt về sản phẩm nghiên cứu của mình. Các chuyên gia còn lại toàn là nghệ sĩ - người không có chuyên môn về dược. Nghệ sĩ là người được thuê để làm thương hiệu cho sản phẩm, nói tốt cho sản phẩm mà chưa có sự kiểm chứng và phản biện từ cơ quan chức năng và giới chuyên môn.

Hội thảo khoa học về viên uống Minhmen có sự góp mặt của PGS. TS Trần Quốc Bình. Hội thảo khoa học có 5 người, trong đó 1 MC, 2 nghệ sĩ và 2 chuyên gia. Nội dung hội thảo tập trung lý giải nguyên nhân tình trạng yếu sinh lý ở nam giới.

Giải pháp công nghệ được đặt tên rất kêu là “viên uống sinh lý đầu tiên sử dụng công nghệ nano đích”. Hội thảo cũng có chia sẻ của các nghệ sĩ về chuyện giường chiếu... Ngoài thông tin cơ bản để quảng cáo sản phẩm thì hội thảo khoa học gần như không có phản biện khoa học nào, hàm lượng khoa học rất thấp.

Hội thảo với tên gọi đậm chất khoa học “Lần đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ siêu vi nano tự nhũ hoá kết hợp colagen thuỷ phân từ cá tuyết” về sản phẩm Again Beauty. Nội dung hội thảo được phát trên bản tin của VTV1. Sau đó bản tin này bị cắt, ghép để đưa hình ảnh sản phẩm thay hình ảnh gốc của VTV.

Trái với tên rất “kêu”, hội thảo về sản phẩm Again Beauty chủ yếu là đặt vấn đề về công nghệ ứng dụng trong loại mỹ phẩm cùng tên, lời khen ngợi của giới nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm mà thiếu các tiếng nói phản biện thực sự từ giới khoa học.

Ngoài ra, nhiều hội thảo khoa học có yếu tố nước ngoài. 2 - 3 chuyên gia nước ngoài xuất hiện từ hội thảo này đến hội thảo khác để nói tốt cho sản phẩm. Nhưng đơn vị tổ chức không công bố giấy phép chấp thuận của cơ quan quản lý.

Theo một nhân viên truyền thông tại Hà Nội, nhiều hội thảo khoa học về lĩnh vực dược chủ yếu là tạo “vỏ bọc” để làm nội dung phát trên VTV, báo, đài... Các bản tin sau khi phát sóng sẽ bị đơn vị phân phối cắt, ghép trái quy định để quảng cáo trên Facebook, Google, Youtube, Zalo... Mục đích chỉ là lợi dụng logo thương hiệu của VTV, các báo, đài để tăng độ uy tín cho sản phẩm.

Lỗ hổng từ quản lý hội thảo khoa học?

Trước đây, việc tổ chức hội thảo khoa học do các đơn vị tự đứng ra tổ chức, tuỳ vào quy mô, mức độ. Ví dụ trường Đại học tổ chức hội thảo cấp nhà trường về một nghiên cứu nào đó có giá trị về mặt lý thuyết và ứng dụng. Hoặc ở quy mô lớn là Hội thảo khoa học cấp Nhà nước tổ chức theo yêu cầu, nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học do cấp trung ương giao.

Vì quy định về tổ chức hội thảo còn tương đối thoáng, nên nhiều công ty tự đứng ra tổ chức hội thảo khoa học với nội dung, thời lượng không giới hạn.

Trong đó, nhiều hội thảo có yếu tố nước ngoài - sử dụng chuyên gia nước ngoài để đánh giá công nghệ trong sản phẩm không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: Nếu các trang web đăng tin về hội thảo trái quy định hoặc có thông tin sai lệch thì sẽ do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý. Ngoài ra, Sở chỉ cấp giấy phép họp báo cho các đơn vị có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Còn nếu hội thảo có yếu tố nước ngoài lại thuộc phạm vi quản lý của Sở Nội vụ.

Theo Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải - Công ty Luật Thái Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc tổ chức hội thảo khoa học - đặc biệt trong ngành hàng thực phẩm chức năng hiện nay là tương đối dễ dãi.

Nếu không có sự quản lý, điều chỉnh kịp thời có thể sẽ phát sinh những tiêu cực, biến tướng, bóp méo bản chất khoa học để quảng cáo sản phẩm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải sớm ban hành quy định về hội thảo khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng nhằm tránh những hệ luỵ có thể xảy ra.

Theo Luật gia Nguyễn Gia Hải, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đang quản lý lĩnh vực thực phẩm chức năng - bao gồm cấp Giấy tiếp nhận sản phẩm và Giấy phép quảng cáo.

Vì vậy, nếu giao Cục An toàn thực phẩm quản lý nội dung hội thảo khoa học cho các công ty dược là hợp lý và thuận tiện nhất, đảm bảo tính thống nhất về mặt quản lý Nhà nước và xử lý nghiêm các biến tướng của hội thảo khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.