Cụ thể, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được Cục an toàn thực phẩm cảnh báo quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật gồm Navigout, Hạ Khang Đường, Phục Cốt Khang, An Đường Huyết...
Theo Cục An toàn thực phẩm, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, các bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý nghiêm nhưng hành vi vi phạm này.
Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực tế các thống kê cho thấy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) vi phạm vấn đề quảng cáo không quá nhiều, tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường lại rất lớn.
Năm 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền phạt là gần 2 tỷ đồng.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng.
Thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp: Ngoài xử lý theo quy định của nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
Chẳng hạn, đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện và yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài.
Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua “đất quảng cáo” trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết.
Trước đó, chia sẻ trên báo chí, theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Theo quy định, cá nhân, doanh nghiệp cũng không được sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm… Việc các nhà phân phối, sản xuất sản phẩm này thổi phồng công dụng của sản phẩm khi quảng cáo là vi phạm các quy định của pháp luật.
TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trên, công bố tên đơn vị, sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra. Vì thế, thời gian tới, Cục tiếp tục có các biện pháp thanh, kiểm tra để hạn chế tình trạng này.