Hội thảo góp ý Khung chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh bậc tiểu học

Hội thảo góp ý Khung chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh bậc tiểu học

(GD&TĐ) - Sáng nay (10.12), tại trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo góp ý Khung chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh bậc Tiểu học theo học chế tín chỉ. Tham dự hội thảo, ngoài ban biên soạn, còn có đại diện bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và đại biểu đến từ một số trường ĐH trong cả nước.

z
Đại diện ban soạn thảo trình bày Khung chương trình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học

Theo đó, khung chương trình được sử dụng Khung quy chiếu chung Châu Âu (CEFR). Các mối quan tâm trong quá trình xây dựng khung chương trình gồm trình độ đầu vào của người học, thống nhất tiêu chí đánh giá trình độ người học; vai trò của kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo và vai trò của người học trong quá trình đào tạo. Việc xây dựng chương trình này còn dựa trên nền tảng khối kiến thức về phương pháp giảng dạy cũng như kiến thức về người học và phương pháp học.

Mục tiêu chung của chương trình đào tạo GV tiếng Anh bậc Tiểu học là: ngoài những nhà chuyên môn có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, trình độ và năng lực chuẩn về tiếng Anh (ít nhất tương đương mức C1 theo khung tham chiếu Châu Âu) còn phải là những nhà sư phạm am hiểu về hoạt động dạy – học, biết ứng dụng các tri thức về dạy và học cho từng hoàn cảnh giảng dạy cụ thể. 

Được biết, trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng là trường đầu tiên đã mở mã ngành đào tạo GV tiếng Anh bậc Tiểu học từ năm 2009. Ngoài ra, trong 2 năm qua, trường ĐH Ngoại ngữ cũng đã xây dựng và bảo vệ thành công chương trình Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho GV tiếng Anh bậc Tiểu học và tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và năng lực tiếng Anh cho hơn 400 GV tiếng Anh Tiểu học tại khu vực miền Trung. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn đáng tin cậy cho việc xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh bậc Tiểu học mà trường đang xây dựng.

Người GV tiếng Anh bậc Tiểu học của thế kỷ XXI còn phải có khả năng thích ứng cao, linh hoạt, chủ động, nhạy bén trong mọi tình huống giảng dạy, có những khả năng và năng lực cần thiết như khả năng giao tiếp, tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định… Họ cũng cần phải hiểu biết về môi trường địa phương, trong nước hay quốc tế mà ở đó tiếng Anh được dạy.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thì đội ngũ GV tiếng Anh ở bậc Tiểu học ở nước ta hiện nay còn hạn chế về năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học và mức độ gắn bó với nghề nghiệp.

Ngoài ra, GV tiếng Anh dạy ở bậc Tiểu học ở Việt Nam áp dụng phương pháp phù hợp với người lớn hơn là đối với trẻ em, chẳng hạn: Tập trung vào hình thái ngôn ngữ và tính chính xác hơn là sự thành thạo; nhấn mạnh kỹ năng độc và viết ngay giai đoạn đầu; nặng về luyện tập nhắc đi nhắc lại và đọc đồng thanh cả lớp với mục đích cho các em học các từ chuẩn xác một cách tuyệt đối; thiếu sự quan tâm và cơ hội cho việc sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên vào mục đích giao tiếp.

Theo kết quả khảo sát của Hayes về thực trạng GV tiếng Anh bậc Tiểu học trên phạm vi toàn quốc thì tại thời điểm năm 2008, có 6.400 GV tiếng Anh tiểu học. Con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tiếng Anh tiểu học từ lớp 3 trở lên như một môn học bắt buộc. Bộ GD&ĐT ước tính cần hơn 12.000 GV mới đào tạo thì mới đáp ứng đủ việc giảng dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần trên toàn quốc. 

Dạy tiếng Anh cho bậc Tiểu học đòi hỏi người GV ngoài thông thạo tiếng Anh còn phải có kiến thức sâu rộng về phát triển trẻ em và là người có khả năng bồi dưỡng động cơ học tập cho trẻ. Nếu không chuẩn bị tốt được khâu GV ở giai đoạn quan trọng này thì về sau khi trẻ lớn lên, rất khó để sửa chữa được.

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ