Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 8

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 8
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XI
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XI
 

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI).

Dự hội nghị có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng đại diện lãnh đạo, Trưởng ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Ban cán sự, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương, các báo cáo viên Trung ương và cấp tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước trong những năm tới.

Ông Đinh Thế Huynh đã gợi mở, lưu ý một số nội dung để các đại biểu dự Hội nghị tập trung nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 8.

Trong nghiên cứu, quán triệt Kết luận về “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và thực hiện nhiệm vụ năm 2014” và “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế-xã hội," ông Đinh Thế Huynh đề nghị cần tập trung nắm vững những thuận lợi, khó khăn, thách thức cả ở trong nước và bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, cả về kinh tế và chính trị, cả khách quan và chủ quan trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Các đại biểu nghiên cứu, nắm vững những thành tựu kinh tế-xã hội trong 3 năm 2011-2013 mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được, quan tâm so sánh giữa các năm để tìm ra xu hướng và đánh giá được những thành tựu và hạn chế của năm 2013; chú ý những thành tựu, kết quả về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần nhận rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Các đại biểu cần nghiên cứu những mục tiêu cần đạt được trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XI; những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, nhất là những giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Trong nội dung này, cần nắm vững, hiểu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chung trong cả nước, đồng thời vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị mình.

Đề cập Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chính là thực hiện một khâu đột phá chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Đinh Thế Huynh đề nghị trong nghiên cứu và quán triệt Nghị quyết, cần nắm vững những thành tựu và hạn chế, yếu kém, phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm; nắm vững các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, liên hệ với địa phương, đơn vị mình, xây dựng chương trình hành động để triển khai Nghị quyết đạt hiệu quả thiết thực.

Đề cập Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh đây là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước ta trong hoàn cảnh, điều kiện thế giới đầy phức tạp, khó đoán định hiện nay. Các đại biểu cần dành sự quan tâm đặc biệt để nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết này.

Trước hết là hiểu sâu sắc tình hình trong nước, thế giới; nắm chắc, hiểu rõ các quan điểm chỉ đạo, phương châm, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà Nghị quyết đã đề ra đồng thời cần vận dụng triển khai thực hiện một cách sáng tạo tại địa phương, đơn vị mình; phổ biến, quán triệt sâu sắc phù hợp từng đối tượng để cán bộ, đảng viên và nhân dân thông suốt và tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Về bản Hiến pháp (sửa đổi), ông Đinh Thế Huynh nêu rõ việc thực hiện Hiến pháp sẽ đưa Việt Nam vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới.

Trong tình hình đấu tranh tư tưởng, chính trị phức tạp như hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, ông Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ để nắm vững các quy định trong Hiến pháp, nhất là những vấn đề có tính nguyên tắc, những nội dụng cốt lõi để chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thi hành Hiến pháp. Đó là khâu mấu chốt để Hiến pháp đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự nghiệp phát triển vững chắc của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong những năm tới.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận để nắm vững, hiểu rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng trong các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, nghiên cứu và xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giới thiệu Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu Kết luận về “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và thực hiện nhiệm vụ năm 2014” và “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế-xã hội, trọng tâm là 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng."

Theo Chương trình, ngày 12/12, Hội nghị tiếp tục làm việc nghe ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giới thiệu những nội dung cơ bản và mới của bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ