Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam: Việt Nam – đối tác kinh doanh tin cậy

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, ngày 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit-VBS) đã diễn ra với chủ đề "Việt Nam- Đối tác kinh doanh tin cậy".

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit-VBS) thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự.
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit-VBS) thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit-VBS) thu hút gần 2.000 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành, giám đốc nhiều công ty tên tuổi trong nước và thế giới. Đặc biệt là có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế như WTO (Tổ chức thương mại thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WHO (Tổ chức Y Tế Thế giới) và Đại diện Phòng thương mại Hoa Kỳ,..

Môi trường cạnh tranh công bằng

Hội nghị tập trung bàn về cơ hội kinh doanh, và tạo cơ hội để Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực; tạo cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng công nghiệp Thương mai Việt Nam (VCCI), cho biết: Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay.

Nội dung chủ yếu của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam là bàn về cơ hội kinh doanh, là nơi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được gặp gỡ, chia sẻ thông tin về xu thế thương mại và hội nhập quốc tế, cũng như kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam và khu vực APEC.

Các đại biểu đánh giá cao sự nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam
Các đại biểu đánh giá cao sự nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) tập trung thảo luận 6 chuyên đề chính gồm: Nông nghiệp Thông minh; Dịch vụ Tài chính; Y tế & Giáo dục; Kết cấu Hạ tầng; Du lịch và Đặc khu Kinh tế; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá cao những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, những cải thiện về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, ông Philipp Rosler - Giám đốc Điều hành, Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhấn mạnh: Trong thời gian quan, Việt Nam đã những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, những cải thiện về năng lực cạnh tranh của mình.

Chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đối với Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác công-tư (PPP), ông Philipp Rosler tin tưởng: Việt Nam sẽ xây dựng một môi trường cạnh tranh công bằng, môi trường đầu tư tuyệt vời, góp phần mang lại tương lai tươi sáng cho Việt Nam. Đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ mà Việt Nam đang sở hữu.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Hội nghị đánh giá cao Việt Nam đã có sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hội nghị đánh giá cao Việt Nam đã có sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Còn bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đánh giá cao những cải thiện gần đây của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và trên nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời chỉ ra những thách thức mà Việt Nam cần phải lưu ý như: quy hoạch đô thị hóa nhanh, hợp tác công tư,…

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), nền kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua đã có những cải tổ sâu rộng và đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao, đạt bình quân gần 7%/năm, mức thu nhập của người dân cũng được nâng cao. Năm 2017 dự kiến GDP tăng 6,7% và phấn đấu trong 2016 - 2020 tăng 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam tăng lên khoảng 2.300 USD (tính theo PPP là khoảng 6.800 USD).

Hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến đến 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu. Điều này làm gia tăng nhu cầu của nền kinh tế, nhiều việc làm tốt hơn được tạo ra không chỉ đối với trong nước mà Việt Nam còn từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các mạng sản xuất trong khu vực APEC và thế giới.

Thu nhập tăng nhanh khiến ngày càng có nhiều người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, từ đó làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra các cơ hội cho nhà đầu tư biết nắm lấy cơ hội, đón đầu xu thế thay đổi đó.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Và sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP. Đến nay đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP.

Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC vào Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của các nền kinh tế APEC đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố 31/10/2017, xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5).

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017, đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).

Dịp nay, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) còn được tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành, với có tên "Việt Nam – Đối tác Kinh doanh Tin cậy và Giàu Tiềm năng" nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế các ngành: nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… .

Đây cũng sẽ là nơi trưng bày các thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ