“Hối không kịp” vì cho phép chồng đi nhậu

GD&TĐ - Hồi mới yêu nhau, anh suốt ngày lải nhai câu "bia là kẻ thù của anh". Ấy vậy mà khi trở thành người đàn ông của gia đình cũng là lúc anh có thêm bạn mới: bia hơi.

“Hối không kịp” vì cho phép chồng đi nhậu

Không còn cách nào khác, chị lên mạng tham khảo câu chuyện của những bà vợ có chung hoàn cảnh với mình. Có người khuyên các bà vợ nên đưa ra một biện pháp mà có thể dễ dàng thực hiện là tạm thời chịu đựng, bình tĩnh và tôn trọng chồng ngay cả những lúc họ đang say, để ít ra con cái không bị nhiễm tư tưởng coi thường bố.

Cụ thể, các bà vợ hãy thường xuyên tâm sự với chồng những công việc hằng ngày của gia đình, kể rằng mỗi khi họ say rượu, trở về nhà muộn, vợ và con cái lo lắng, vất vả như thế nào. Đọc đến đoạn này, chị cười suýt té ghế vì chợt nghĩ đến anh. Con người này chẳng bao giờ biết tỉ tê tâm sự là gì nên chị không thể áp dụng biện pháp nhẹ được.

Cũng có bà vợ kể rằng, sau mỗi lần chồng của chị ta say, khi thức dậy, anh ta đều thấy vợ ở bên, kiên nhẫn chăm sóc, mong rằng có thể anh ta sẽ thương, sẽ hối hận... nhưng kết quả là anh ta không chịu thừa nhận giá trị của vợ mình. Thế là những lần sau đó, khi đoán chừng anh chồng sắp tham gia tiệc tùng liên miên và thế nào cũng có vài ba lần trở về nhà trong trình trạng liêu xiêu, chị vợ tìm cớ chính đáng đưa con đi vắng vài ba ngày để "lánh nạn". Anh chồng sẽ thấy tỉnh dậy sau một đêm say thật chẳng dễ chịu gì. Nhà cửa bừa bãi, quần áo bốc mùi, đến cốc nước chanh cũng không có, tìm hộp dầu gió để bôi lại chẳng thấy đâu. Lúc đó, anh chồng sẽ thấy chán ghét những cuộc hội họp bạn bè, để từ đó hứa với vợ: "Từ bây giờ, tan sở là anh về thẳng nhà". Chị vợ này còn khuyên những người cùng cảnh ngộ với mình là đừng quên tỏ ra vui mừng và khen ngợi nếu sau đó ông xã thực sự từ chối những lời mời nhậu nhẹt của bạn bè.

Đọc đến đoạn này, chị lắc đầu, nghĩ: phương án "lánh nạn" ở nhà ngoại chẳng hay ho tẹo nào, chị không muốn chuyện riêng của gia đình ảnh hưởng đến người khác. Hơn nữa, chị cũng không muốn mẹ đẻ biết chuyện, bà sẽ lo lắng không yên.

Càng tham khảo những chia sẻ của người khác, chị càng thấy rối trí, cuối cùng chị quyết định sẽ thực hiện theo cách riêng của mình. Chị biết anh là kiểu "không ưa nhẹ, chỉ ưa nặng". Một hôm anh lại về nhà trong tình trạng liêu xiêu, chị dùng điện thoại quay lại hết rồi nghiên cứu điệu bộ, giọng nói của anh lúc say. Hôm sau, đúng lúc anh và các con đang ngồi xem tivi, chị đột nhiên bảo: "Các con biết hôm qua bố về nhà trong trạng thái như thế nào không?". Thằng Tròn với cái Trĩnh nhìn nhau rồi đồng thanh: "Như thế nào ạ?".

Chị đứng dậy, miêu tả y hệt điệu bộ của anh lúc say khiến bọn trẻ con cười lăn cười bò trên sàn nhà. Anh giận tím mặt, nói "cùn": "Ừ, tôi như thế đấy. Mà thế thì đã sao?".

Biện pháp mạnh không ăn thua, chị quyết định áp dụng biện pháp... mạnh hơn. Tham khảo ý kiến một người bạn ở nước ngoài, chị không "ép" anh cai bia nữa, thay vào đó, chị khuyến khích anh uống bia "chay". Nghe nói loại bia này không chứa cồn nên uống bao nhiêu cũng không say. Chị nói khéo nên anh đồng ý hợp tác ngay chứ không chống đối "cùn" như trước.

Lần này anh cũng ra khỏi nhà vào buổi tối, chị nhắc nhở: "Nhớ uống bia chay chứ đừng uống bia thường, anh nhé!". Anh đáp lại bằng giọng ngọt ngào: "Anh nhớ mà, em yên tâm nhé!".

Chị chờ đến 12 giờ đêm vẫn chưa thấy anh về, sốt ruột quá, chị gọi điện cho anh: "Anh nhậu nhẹt gì mà lâu thế, về đi chứ!". Giọng anh không hề lè nhè mà tỉnh như sáo: "Em buồn cười nhỉ! Đàn ông bọn anh có câu "không say không về", anh uống bia chay thế này thì về sao được?"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.