Giờ đây, các thành viên của nhóm phải nộp vũ khí đầu hàng và trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, phải có sự chấp thuận của toàn dân Colombia qua cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2/10 tới, hiệp ước hòa bình mới có hiệu lực.
Thỏa thuận lịch sử
Chính quyền Colombia và FARC vừa ký kết một thỏa thuận lịch sử, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm, cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người. Cuộc xung đột này làm hàng chục ngàn người Colombia bị mất tích và hàng triệu người phải tị nạn để tránh bạo lực.
Đây là kết quả của cuộc đàm phán kéo dài tới 4 năm ở Cuba và nó được chào đón ở khắp các tụ điểm công cộng ở thủ đô Bogota của Colombia.
Công dân Bogota Margarita Nieto xúc động nói: “Tôi rất hạnh phúc. Đã đến lúc kết thúc chiến tranh. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết”.
Còn Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos xúc động nói: “Ngày nay, bằng cả trái tim của mình, tôi muốn nói rằng tôi hoàn toàn tin tưởng.
Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng về việc chấm dứt cuộc xung đột vũ trang với FARC. Hỡi công dân Colombia! Quyết định của chúng tôi đang ở trong tay của các bạn”.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, đến năm 2018, các đại diện của FARC sẽ nhận được một số ghế trong Quốc hội mà không cần một cuộc bỏ phiếu của cử tri, và sau đó có thể tham gia vào các cuộc bầu cử. Ông Santos cam đoan rằng cuối cùng, tất cả 7.000 cựu phiến quân sẽ tham gia bỏ phiếu như bất kỳ thành viên của một đảng nào khác.
“Chúng tôi đã có chiến thắng đẹp nhất trong lịch sử tất cả các trận đánh. Chiến tranh đã kết thúc, bây giờ bắt đầu cuộc chiến của những ý tưởng” - Trưởng đoàn đàm phán của FARC Ivan Marquez tuyên bố ngay sau khi thỏa thuận được công bố tại thủ đô Havana.
Tương lai nào cho thỏa thuận hòa bình ở Colombia?
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận với FARC vẫn chưa cam kết kết thúc bạo lực vì chính phủ chỉ đàm phán được với một tổ chức cánh tả nhỏ, còn với “Quân đội Giải phóng quốc gia”, đàm phán đi vào ngõ cụt. Ngoài ra, cuộc chiến nửa thế kỷ đã sinh ra một số lượng lớn các phần tử chuyên kiểm soát các hoạt động buôn bán ma túy ở trong nước.
Phó Giám đốc Viện Mỹ -Latinh, Viện HLKH Nga Vladimir Sudarev hoài nghi về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10 sắp tới, vì gần như xã hội Colombia bị chia rẽ làm đôi.
“Các nhà lãnh đạo chính trị, Uribe, những người dự định sẽ một lần nữa chiến đấu cho chức tổng thống sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chơi này.
Dù sao đó là một cuộc chiến kéo dài 50 năm, nó thậm chí không phải là cuộc nội chiến mà là cuộc chiến tranh với các tổ chức khủng bố. Do đó, cảm giác khá dễ hiểu của nhiều người Colombia hoặc bị mất đi người thân hoặc người thân bị bắt cóc. Họ đòi trả thù?"- Ông Sudarev nhận định.
V.Sudarev giải thích: “Mặc dù thỏa thuận trao cho tòa án xử lý tội phạm từ tất cả các bên, mặc dù tòa án được hỗ trợ bởi Liên Hiệp Quốc và các nước láng giềng nhưng một phần của FARC có thể tách ra từ những người ủng hộ thỏa thuận hòa bình đứng lên cầm súng…
Họ có thể quay trở lại thực hiện các vụ bắt cóc, buôn bán ma túy”. Khả năng hội nhập vào xã hội dân sự của du kích quân cũ là rất đáng nghi ngờ - Sudarev nhận định.
Với “ngân sách” 500 triệu USD/năm và kéo dài tới 50 năm, 3 thế hệ chiến binh của FARC đã trở thành những tay súng thiện nghệ. Buổi sáng họ thức dậy với khẩu súng bên gối và chỉ có biết đến nhả đạn và nhả đạn.
Đã thế, cuộc sống của họ chắc chắn sung túc hơn mức bình quân trong xã hội. Giờ đây, trở về quê với mảnh ruộng được cấp, liệu họ có hài lòng?