Hội họa lan tỏa tinh thần giác ngộ và yêu thương

GD&TĐ - Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ban Văn hóa Trung ương tổ chức triển lãm 'Sáng đạo trong đời', tại Trung tâm Triển lãm 45 Tràng Tiền.

Tác phẩm 'Mênh mang' của họa sĩ Lê Bá Cầu.
Tác phẩm 'Mênh mang' của họa sĩ Lê Bá Cầu.

Là một trưng bày hiếm về đề tài tôn giáo, triển lãm “Sáng đạo trong đời” cho thấy những giá trị hòa quyện giữa nghệ thuật và tôn giáo có thể đánh thức phần nội tâm thanh tịnh trong mỗi người, để lòng yêu thương và từ bi lan tỏa như hương sen thơm ngát.

Thông điệp từ bi, trí tuệ và giác ngộ

Hướng đến Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025, cuối tháng 11/2024 Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ban Văn hóa Trung ương tổ chức triển lãm “Sáng đạo trong đời”, diễn ra tại Trung tâm Triển lãm 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Triển lãm quy tụ 51 tác phẩm đặc sắc của 12 nghệ sĩ trong lĩnh vực hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan tỏa tinh thần giác ngộ và yêu thương trong văn hóa Phật giáo.

12 nghệ sĩ cũng là những cái tên nổi bật trong giới hội họa Việt Nam: Trịnh Sinh Nha, Lê Bá Cầu, Cấn Mạnh Tưởng, Hoàng Gà, Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Hương Giang, Trường Thịnh, Nguyễn Phan Bách, Thu Hằng, Thu Thủy, Long KJ, Lê Tuấn Anh.

Với chủ đề “Sáng đạo trong đời”, triển lãm mang đến cho công chúng góc nhìn sâu sắc về giá trị đạo đức, tâm linh Phật giáo trong đời sống hiện đại, tạo nên không gian nghệ thuật đầy cảm xúc. Những tác phẩm không chỉ đẹp hội họa, nghệ thuật, mà còn truyền tải những triết lý nhân sinh cao cả, nhằm lan tỏa tình thương và trí tuệ của đạo Phật.

Mỗi họa sĩ mang một phong cách riêng, từ hiện thực cho tới trừu tượng, nhưng tựu trung đều là những chiêm nghiệm về đời sống bằng tinh thần Phật pháp. Dù vẽ một ngôi chùa, một ngọn cỏ hay những bông sen… thì các tác phẩm đều cho thấy nội tâm yên bình trong mỗi nghệ sĩ.

Tình yêu thương từ bi hỉ xả, lòng nhân ái và trí tuệ đạo Phật là những điều mà người xem cảm nhận rõ nét nhất khi xem những bức tranh “Sáng đạo trong đời”.

Nhóm 12 họa sĩ tài năng đều có thời gian dài gắn bó và cống hiến cho mỹ thuật, mỗi họa sĩ đều có phong cách riêng biệt, từ lối tái hiện hiện thực tỉ mỉ đến phong cách trừu tượng sáng tạo. Họ luôn đặt cái tâm và chiêm nghiệm nhân sinh quan sâu sắc vào trong từng tác phẩm. Sự kết hợp độc đáo giữa kỹ thuật điêu luyện và chiều sâu tâm linh đã tạo nên một không gian nghệ thuật thật đẹp và không kém phần linh thiêng.

Tinh thần Phật giáo cũng tràn ngập trong các tác phẩm: Cõi thiêng, Đắc đạo, Chùa Trấn Quốc, Sóng, Sương sớm… của Lê Anh Tuấn; hay những tác phẩm của Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Thế Long, Nguyễn Phan Bách. Nguyễn Xuân Hoàng trong triển lãm này cũng là một bất ngờ. Người xem được thấy lại những trong trẻo, bình yên trong các bức tranh vẽ Đức Phật, Đức Quan Âm của anh sau một đoạn dài nhiều vật lộn, đấu tranh.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, đến xem triển lãm chúng ta như được chiêm ngưỡng một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà tình yêu thương và lòng từ bi được lan tỏa. Các họa sĩ đã khéo léo truyền tải những thông điệp về lòng từ bi, trí tuệ, sự giác ngộ... qua các tác phẩm hội họa.

“Triển lãm là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với giới nghệ sĩ, mà còn đối với toàn xã hội. Đây là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng, những thành quả sáng tạo, của các họa sĩ, đồng thời cũng là cơ hội, để cùng nhau suy ngẫm, về những giá trị cốt lõi của cuộc sống”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.

hoi-hoa-lan-toa-tinh-than-giac-ngo-va-yeu-thuong-1.jpg
Tác phẩm vẽ hoa sen của Hoàng Hương Giang ẩn chứa giá trị thiền trong đạo Phật.

Sau gào thét, quằn quại là chánh niệm, buông bỏ

Trong triển lãm, các tác phẩm: Chánh niệm, Phẩm của hoa, Bình minh trên sông, Hương giác ngộ... của họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng đã mang đến những cái nhìn vừa ngộ nghĩnh vừa sinh động nhưng cũng mang các giá trị thật đẹp về chân dung Đức Phật.

Qua góc nhìn và nét cọ của Nguyễn Xuân Hoàng, hình ảnh Đức Phật không đẹp như chúng ta thường thấy trong hình thái đối diện “ngang bằng”, mà hiển hiện dưới nhiều hình thái khác nhau, từ trên xuống dưới theo phong cách “tạo hình phối cảnh ngược”.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng sinh ra tại Thuận Thành (Bắc Ninh), “cái nôi” của Phật giáo với ngôi chùa Dâu nổi tiếng - trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất Việt Nam. Chùa Dâu ra đời cùng với truyền thuyết Man Nương, ban đầu chỉ là một chiếc am nhỏ được xây dưới gốc cây đa. Cũng có người cho chùa Dâu do Thái thú Sĩ Nhiếp xây dựng, trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử.

Cái đặc biệt của chùa Dâu là tượng Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đạo Phật đến chùa Dâu sớm nhất, người xứ Bắc đã chọn lọc và sáng tạo ra dòng thiền độc đáo Việt Nam mà người xưa quen gọi là hệ thống Tứ pháp. Đặc trưng của dòng thiền này là người phụ nữ được đề cao. Tượng Phật Việt Nam là trung tâm của chùa Dâu - niềm tự hào chính đáng của người Đại Việt.

Có lẽ, bởi sinh ra và thấm nhuần giáo lý cũng như tư tưởng ở vùng trung tâm Phật giáo nên Nguyễn Xuân Hoàng có những cảm thụ và biến đổi một cách tinh tế. Anh coi kỹ thuật chỉ là phương tiện biểu đạt, và con đường dài của một người nghệ sĩ đích thực phải là hệ thống tư tưởng được xác lập trên từng chặng đường đã qua.

Thế giới hội họa của Nguyễn Xuân Hoàng mở ra những tiếng gào thét quằn quại, diện mạo người phẫn nộ cuồng điên, cuộc chiến giữa nhiều người và trong chỉ một người, tiếng vang buốt óc và cả những thinh lặng tột cùng.

Loạt tranh “Những nhân dạng nhiều mặt” là những gương mặt người không rõ đang hoảng hốt, gào rú hay nộ cuồng tê dại, chỉ biết rằng chúng như đang bị bóc tách từng lớp mặt để thấy rõ một tổng thể đa dạng phía bên trong.

Anh cho rằng, nghệ thuật không chỉ là tấm gương để người đời trang điểm, mà còn là ánh sáng phản chiếu vào để họ thấy mình rõ hơn. Vậy nên với tất cả sự nghiêm túc, anh đã đặt sự vẽ vào trong một hành trình nghiên cứu.

Sau những gào thét, quằn quại, đau khổ của thân phận người trong các họa phẩm, công chúng dần thấy một Nguyễn Xuân Hoàng - Phật. Phật của anh với góc nhìn ngược từ trên xuống, tạo nên hình khối. Những tác phẩm mang gam màu tươi sáng, bắt mắt, đường nét mềm mại.

“Tôi luôn giữ cho mình một niềm tin và suy nghĩ về nghệ thuật, đó là: Không lặp lại của ai, không lặp lại chính mình. Mỗi tác phẩm là một đời sống riêng biệt, mỗi cá nhân nghệ sĩ nếu có thể hãy nỗ lực là một tài năng, một số phận và một thế giới riêng biệt”, họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.

Đó là một chuyển đổi mang tính giản lược trong tạo hình của họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng. Anh hình dung sự trải nghiệm cơ thể, của hành trình hướng tới bản ngã bên trong mình. Bước đi trong chánh niệm là một phương pháp thực hành giúp chúng ta tiến một bước gần hơn đến trung tâm của mình - đến phần bất biến và thiêng liêng trong mỗi người.

“Tất cả các bông hoa đều có vẻ đẹp của tự nhiên và đều có tính Phật. Hoa sen là biểu tượng của Phật giáo mang ý nghĩa thanh tịnh, cao quý và biểu trưng cho phẩm chất cao quý của một con người. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu thương vì thế mỗi khi thể hiện tình yêu của ai đó người ta thường tặng hoa hồng. Hoa cúc là tượng trưng cho người quân tử vì đây là loài mà có chết đi cũng không rời thân của nó”, họa sĩ chia sẻ.

Bức tranh “Phẩm của hoa” được anh vẽ theo lối phối ảnh ngược, nhìn càng xa thì hình ảnh càng to lên. Theo họa sĩ, con đường giác ngộ của Đức Phật cũng có nhiều yếu tố mang tính ngược.

Chẳng hạn như Phật có những thứ người khác mong muốn có được nhưng Phật lại buông bỏ. Và anh thực hiện những bức vẽ với lối phối ảnh ngược để thấy có sự tương đồng với con đường giác ngộ của Đức Phật. Ở một bức tranh khác, Nguyễn Xuân Hoàng vẽ Phật với đôi chân to nhưng phần đầu rất nhỏ. Anh cho rằng, đôi chân tựa như rễ của một cái cây, rễ càng lớn thì cây càng vươn cao.

hoi-hoa-lan-toa-tinh-than-giac-ngo-va-yeu-thuong-2.jpg
51 tác phẩm của 12 họa sĩ với nhiều phong cách khác nhau đã biểu đạt sự đa dạng về nghệ thuật hội họa vẽ về Phật giáo.

Hội họa đánh thức lòng trắc ẩn

Mỗi họa sĩ hội tụ tại “Sáng đạo trong đời” đều có những tác phẩm thể hiện rõ các giá trị nghệ thuật mang hơi hướng và triết lý Phật giáo. Bức tranh “Vô vi cổ tự” vẽ chùa Vô Vi ở Chương Mỹ (Hà Nội) hay tác phẩm “Mênh mang” của họa sĩ Lê Bá Cầu trên chất liệu sơn mài khiến người xem thấy thật rõ, thật sâu các giá trị ấy.

Trước đó vào tháng 7/2024, Lê Bá Cầu cũng có một trưng bày nhóm mang tên “Trạm” tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TPHCM). Ở đó, họa sĩ bị mê hoặc bởi những nhà thờ. Anh choáng ngợp khi đứng trước các thánh đường, bởi sự uy nghi và nét đẹp hàn lâm.

Những sự mờ ảo, đôi lúc cuồn cuộn của kiến trúc cũng giống như tâm và trí của chính mỗi người. Còn lần này, trong triển lãm Phật giáo, những kiến trúc chùa được Lê Bá Cầu thể hiện với tất cả sự hiểu biết đến cặn kẽ từ lối đi, mái ngói, bảo tháp, cây cỏ trong chùa, đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi người.

Họa sĩ Lê Bá Cầu sinh năm 1985 tại Thanh Hóa, anh có niềm đam mê với chất liệu sơn mài truyền thống và vẫn giữ nguyên mạch cảm hứng với kiến trúc, đặc biệt với cảnh sắc của phố phường Hà Nội. Những hình ảnh quen thuộc với bất cứ ai đã gắn bó với Hà Nội hiện lên đầy thi vị trong tranh của anh.

Lê Bá Cầu khai thác bảng màu sơn ta truyền thống, nắm bắt triệt để hiệu quả óng ánh vàng son. Cách vẽ của anh không phải là hiện thực ảnh, mọi hình dạng đều đã qua bộ lọc cảm xúc.

Cũng là người theo đuổi vẽ về chủ đề tôn giáo, họa sĩ Trịnh Sinh Nha, Cấn Mạnh Tưởng, Thu Hằng, Thu Thủy… đến với “Sáng đạo trong đời” với tất cả niềm yêu mến triết lý cũng như tư duy kinh kệ Phật giáo mà tạo thành những mảng màu, đường nét ẩn chứa các giá trị nhân sinh.

hoi-hoa-lan-toa-tinh-than-giac-ngo-va-yeu-thuong-3.jpg
Triển lãm 'Sáng đạo trong đời' là sự kiện hướng đến Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.

Nguyễn Phan Bách - con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng góp sức vào triển lãm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh đã dần khẳng định mình trong làng mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù mang trong mình di sản văn hóa của cha, Nguyễn Phan Bách không để tên tuổi của cha ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật cá nhân mình.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của anh mang tên “Vô diện”, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật. Anh thể hiện sự sáng tạo độc lập, tập trung vào những giá trị hội họa riêng biệt và cách thể hiện cá tính nghệ thuật của bản thân.

Nữ họa sĩ Hoàng Hương Giang vừa mới kết thúc triển lãm nhóm chủ đề “Khơi dòng” cùng Trang Thanh Hiền và Đinh Thị Kim Liên, đã tiếp tục “góp tranh” cùng 11 đồng nghiệp để hoàn thiện “Sáng đạo trong đời”. Hoàng Hương Giang sinh năm 1988 tại Tuyên Quang, cô có một tình yêu đặc biệt với hoa sen, bởi theo cô loài hoa này là một biểu tượng, một tâm hồn.

Tranh của Hương Giang thường mang đến cảm giác mơ màng, siêu thực, tràn đầy xúc cảm qua những bông sen tươi mới nồng nàn, thấm đượm sự bay bổng, nên thơ trong các ý niệm cuộc đời. Những đóa sen không chỉ đơn thuần là hoa, mà còn là những hình ảnh ẩn dụ, những giấc mơ. Với cách sử dụng màu sắc tài tình, nữ họa sĩ tạo nên những bức tranh rực rỡ, đầy sức sống của tâm hồn nữ tính nhưng không quên “chất thiền” tĩnh lặng.

51 tác phẩm của 12 họa sĩ có thể chưa hoàn toàn chinh phục những cảm nhận riêng của cá nhân người xem, nhưng thành công thấy rõ là các họa sĩ đã làm nổi bật sự sâu sắc về giá trị đạo đức, tâm linh Phật giáo trong đời sống hiện đại. Và như Hòa thượng Thích Thọ Lạc có nói: “Các tác phẩm không chỉ đơn thuần là những bức tranh, mà còn là những lời nhắn nhủ về tình yêu thương, sự sẻ chia, về lòng từ bi và trí tuệ”.

“Thời gian qua, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 2 sự kiện ý nghĩa: Chương trình văn nghệ mừng lễ Vu lan vào tháng 8 tại chùa Diệc và chương trình văn nghệ ‘Sáng đạo trong đời’ vào tháng 10 tại chùa An Thái tại Nghệ An.

Các chương trình không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, mà còn là dịp để cộng đồng giao lưu, học hỏi, nâng cao nhận thức về đạo Phật. Đồng thời thúc đẩy giáo dục đạo đức và lối sống tích cực theo tinh thần Phật giáo”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ