Hối hả dập lửa

GD&TĐ - Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ được thực hiện trong bối cảnh Israel vẫn liên tục đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa gây chết người.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du lần thứ 11 tới Trung Đông và dự kiến kéo dài một tuần để tập trung tìm giải pháp ngoại giao cho lò lửa đang ngày càng lan rộng này.

Trong chuyến công du dài hiếm khi diễn ra tại một khu vực như lần này, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có hàng chục cuộc tiếp xúc cấp cao với các bên tại Israel và các quốc gia lân cận nhằm khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza và hạ nhiệt xung đột Israel – Hezbollah bằng một giải pháp ngoại giao. Chuyến công du của ông được thực hiện trong bối cảnh Israel vẫn liên tục đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa gây chết người.

Tình hình khu vực vốn đã nóng còn nóng hơn trong suốt một tháng qua khi Israel liên tục thực hiện các vụ ám sát nhằm vào lãnh đạo của Hamas và Hezbollah. Mới nhất là việc nước này hạ sát thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar sau hơn một năm ráo riết truy lùng với cáo buộc ông này là đạo diễn toàn bộ vụ chiến binh Hamas tấn công Israel hôm 7/10/2023, châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở Dải Gaza hơn một năm qua.

Đây được coi là cột mốc quan trọng trong chiến dịch của Israel nhưng quân đội nước này tuyên bố các cuộc tấn công sẽ không vì thế mà dừng lại. Trong khi đó, trong ngày 22/10, Israel còn tiếp tục không kích vào ngoại ô Beirut của Lebanon được cho là nơi có chứa hầm tiền mặt và tài sản của lực lượng Hezbollah đặt dưới một bệnh viện.

Israel cùng ngày còn mở rộng không kích sang thủ đô Damascus của Syria nhằm vào một chiếc xe hơi được cho là đang chở người đứng đầu đơn vị chuyên vận chuyển tiền cho Hezbollah.

Tính tới ngày 21/10, sau hơn một năm, cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến hơn 41.000 người thiệt mạng và 90% dân số phải rời bỏ nhà cửa, trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn vẫn lâm vào bế tắc. Còn các cuộc tấn công của Israel vào phía Nam Lebanon nhằm vào lực lượng Hezbollah đã khiến tổng cộng gần 2.500 người thiệt mạng, gần 12.000 người bị thương và 1,2 triệu người phải đi sơ tán.

Lần đầu tiên trong lịch sử các lãnh đạo cao cấp nhất và từng chỉ huy lâu năm của cả lực lượng Hamas và Hezbollah cùng những người kế nhiệm đều lần lượt bị Israel hạ sát chỉ cách nhau ít ngày. Trong khi đó, sau vụ tấn công của Iran bằng hàng trăm tên lửa vào Israel hồi đầu tháng này vẫn đang để ngỏ khả năng đáp trả được cho là sẽ rất khốc liệt từ phía Israel.

Bối cảnh căng như dây đàn ở khu vực Trung Đông nói trên đã khiến Mỹ phải cấp tập cử các nhà ngoại giao quan trọng nhất của mình tới để tìm kiếm một giải pháp “dập lửa”. Cùng thời điểm với chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken tại đây còn có chuyến công du Lebanon của đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein để bàn về các điều kiện ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah.

Đây được coi là cơ hội cuối cùng trước khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống để có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong khu vực. Trước đó, Israel đã trao cho Washington một danh sách các điều kiện của nước này về một giải pháp ngoại giao chấm dứt chiến sự ở Lebanon, nhưng đều bao gồm các điều khoản mà Lebanon và các bên liên quan đều rất khó chấp nhận như việc Israel được tự do hoạt động trong không phận của nước này.

Những điều kiện đặt ra này đang như một bức tường ngăn các bên tìm đến một giải pháp ngoại giao cho xung đột và do đó nỗ lực dập lửa của giới chức ngoại giao Mỹ trong khu vực dường như đang là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Mancini bị Liên đoàn bóng đá Saudi Arabia sa thải.

HLV Mancini bị sa thải

GD&TĐ - Roberto Mancini bị sa thải khỏi vị trí HLV trưởng đội tuyển Saudi Arabia sau chuỗi trận tệ hại của đội bóng này.