Hỏi – đáp

Hỏi – đáp

(GD&TĐ) Hỏi: Tôi là những GV dạy THCS kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn. Hiện chúng tôi có hệ số phụ cấp 0,2. Ngoài ra, chúng tôi còn được hưởng chế độ kiêm nhiệm 3 tiết/tuần. Như vậy, chúng tôi chỉ phải thực dạy 16 tiết mỗi tuần. Thế nhưng, từ năm học 2006 – 2007 đến nay thì có sự khác biệt giữa những GV kiêm nhiệm chức tổ trưởng trong tỉnh. Những GV kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng chuyên môn ở huyện Trà Ôn thì không còn được hưởng chế độ kiêm nhiệm 3 tiết nữa, tức là họ phải dạy đủ 19 tiết/tuần. Trong khi đó chúng tôi thì vẫn được hưởng chế độ này và theo định mức thì chỉ phải thực hiện 16 tiết/tuần. Điều khiến chúng tôi thắc mắc là tại sao lại có sự khác nhau đó. Liệu chúng tôi có phải hoàn trả lại số tiết đã tính thừa qui ra tiền trong 3 năm qua không? Nếu không thì những GV kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn ở Trà Ôn có được truy lĩnh số tiết đã dạy vượt định mức theo qui định đối với GV kiêm nhiệm công tác chuyên môn không? Tại sao trong một tỉnh mà lại có sự khác biệt như thế này?
(anhxuanoan@yahoo.com.vn)

ảnh minh họaảnh minh họa
 

Trả lời: Vấn  đề bạn hỏi có liên quan đến 2 văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ đối với GV kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn trong trường phổ thông. Theo Thông tư 49 ngày 29/11/1979 thì GV kiêm nhiệm công tác tổ, khối trưởng chuyên môn trong trường phổ thông sẽ được giảm định mức giảng dạy so với GV bình thường là 3 tiết/tuần. Trước đây, văn bản qui định định mức đối với GV cấp 2 (THCS) là 20 tiết/tuần. Năm 2006, liên Bộ Nội vụ - GD&ĐT có Thông tư 35 qui định định mức biên chế và định mức giảng dạy đối với GV phổ thông. Theo thông tư này, định mức giảng dạy của GV THCS là 19 tiết/tuần. Sở dĩ có việc giảm 1 tiết định mức này là do thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ của Chính phủ. Do đặc thù của ngành GD nên việc áp dụng chế độ tuần làm việc 40 giờ được tính ra theo định mức giảng dạy.

Năm 2005, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 33 qui định chế độ phụ  cấp chức vụ tam thời trong ngành GD. Theo đó, chế độ phụ cấp này áp dụng đối với tổ trưởng chuyên môn ở trường THCS có hệ số là 0,2.

Do cùng một lúc có  2 văn bản liên quan đến chế độ đối với tổ  trưởng chuyên môn nên việc áp dụng thực hiện  ở các địa phương đã có sự khác nhau. Một số nơi cho rằng khi đã có Thông tư 33 qui định phụ cấp chức vụ đối với GV kiêm nhiệm chức tổ trưởng thì sẽ không được thực hiện chế độ giảm số giờ định mức như đối với GV bình thường nữa. Vì vậy, các địa phương này đã tính số giờ giảng dạy của GV kiêm nhiệm chức tổ trưởng chuyên môn là 19 tiết/tuần giống như những GV không kiêm nhiệm công tác này.

Tuy nhiên, về vấn  đề này, chúng tôi đã từng trao đổi với cơ  quan chức năng, được biết, các văn bản này vẫn có  hiệu lực và được áp dụng đồng thời. Điều  đó có nghĩa là GV kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn vừa được tính chế độ phụ cấp chức vụ (0,2 đối với tổ trưởng chuyên môn ở trường THCS), vừa được tính chế độ giảm giờ dạy (giảm 3 tiết/tuần so với định mức của GV bình thường dạy trong trường THCS.

Hỏi: Trung tâm GD thường xuyên được xếp hạng theo các tiêu chí nào? Đối với giám đốc trung tâm GDTX cấp tỉnh thì được hưởng phụ cấp chức vụ là bao nhiêu?
(tranhoan@yahoo.com)

Trả lời: Ngày 25/8/2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn xếp hạng và qui định chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo của trung tâm GDTX. Theo đó, có TT GDTX thuộc cấp tỉnh và TT GDTX thuộc cấp huyện. Các trung tâm GDTX sẽ được xếp theo các hạng khác nhau. Việc xếp hạng đối với TT GDTX căn cứ theo các nhóm tiêu chí sau: a) Quy mô người học; b) Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ, GV; c) Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; d) Chất lượng GD, đào tạo và hiệu quả hoạt động.

(Tiêu chí cụ  thể và bảng tính điểm được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

Trung tâm GD thường xuyên cấp tỉnh xếp ba hạng: hạng ba, hạng bốn, hạng năm. Trung tâm GD thường xuyên cấp huyện xếp ba hạng: hạng năm, hạng sáu, hạng bảy.

Việc đánh giá  các trung tâm GDTX theo tiêu chí sẽ được qui ra điểm số với thang điểm 100 (làm tròn đến hàng đơn vị).

Đối với trung tâm GD thường xuyên cấp tỉnh, sau khi đánh giá nếu đạt số điểm từ 90 điểm trở lên, được xếp hạng ba; Nếu đạt số điểm từ 70 đến 89 điểm, được xếp hạng bốn; Nếu đạt dưới 70 điểm, xếp hạng năm.

Đối với trung tâm GD thường xuyên cấp huyện: Hạng năm: đạt số điểm từ 90 điểm trở lên; Hạng sáu: đạt số điểm từ 70 đến 89 điểm; Hạng bảy: dưới 70 điểm.

Trung tâm GDTX thuộc cấp nào thì sẽ căn cứ vào bảng tiêu chí  dành cho trung tâm của cấp đó để đánh giá, xếp hạng.

Về phụ cấp chức vụ, thông tư qui định: Giám đốc TT GDTX hạng III có phụ cấp 0,9; hạng IV: 0,8; Hạng V: 0,7; Hạng VI: 0,6; Hạng VII: 0,45.

Hỏi: Những trường hợp  đi học theo chế độ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp trở về huyện thì sẽ do huyện phân công công tác hay là tự người học phải liên hệ  tìm việc như những trường hợp đi học tự  túc khác?
(Phamsang86@yahoo.com.vn)

Trả lời: Theo Nghị  định 134 ngày 14/11/2006 của Chính phủ qui định về  chế độ cử tuyển thì việc tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học theo chế  độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp thực hiện như  sau: Hàng năm, các cơ sở GD gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.

Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác theo quy định tối đa là 6 tháng, kể từ  ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 6 tháng không nhận được sự phân công theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Như vậy, chính quyền  địa phương nơi cử người đi học theo chế độ cử tuyển phải có trách nhiệm tiếp nhận người học sau khi tốt nghiệp và bố trí công tác cho họ.

Theo văn bản liên tịch hướng dẫn thực hiện nghị định này, trường hợp địa phương nào không bố trí sử dụng người học theo diện cử tuyển thì sẽ bị giảm chỉ tiêu cử tuyển vào những năm tiếp theo. Lí do là địa phương đã không có nhu cầu sử dụng nguồn cán bộ được đào tạo.

Hỏi: Xin cho biết các qui định về chế độ nghỉ thai sản đối với lao động nữ khi sinh con theo qui định tại Luật BHXH. Thời gian nghỉ đó có bao gồm những ngày nghỉ lễ, tết không? Cách tính lương khi hưởng chế độ thai sản như thế nào? Do cơ quan nào chi trả?
(xuannhi79@yahoo.com)

Trả lời: Luật BHXH qui định thời gian nghỉ chế độ thai sản  đối với lao động nữ khi sinh con như sau: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây: a) Bốn tháng, nếu làm nghề  hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;

b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và  Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở  nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;

c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;

d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.

Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới sáu mươi ngày tuổi bị chết thì  mẹ được nghỉ việc chín mươi ngày tính từ  ngày sinh con; nếu con từ sáu mươi ngày tuổi trở  lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc ba mươi ngày tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế  độ thai sản quy định tại các khoản trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH thì  mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải  đóng bảo hiểm xã hội.

Chế độ thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo qui định. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã ban hành qui trình, thủ tục và các loại giấy tờ đối với hồ sơ hưởng các chế độ BHXH, trong đó có chế độ thai sản, cụ thể: Lao động nữ đang đóng bảo hiểm xã hội sinh con, hồ sơ gồm: a- Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

b- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con. Trường hợp sau khi sinh con, con chết hoặc mẹ chết thì có  thêm giấy chứng tử của con hoặc của mẹ.

Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì hồ sơ có  thêm: + Người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở nơi  có phụ  cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì  có thêm giấy xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc của người lao động;

+ Người tàn tật, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc là thương binh, hoặc người hưởng chính sách như  thương binh có tỷ lệ thương tật từ  21% trở lên thì có thêm bản sao giấy chứng nhận thương tật hoặc biên bản của Hội đồng Giám định y khoa.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ