Hội chẩn trực tuyến phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nhiều ca bệnh phức tạp

GD&TĐ - Ngày 30/3, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tổ chức hội chẩn trực tuyến với chuyên đề về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Buổi hội chẩn trực tuyến có chủ đề về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
Buổi hội chẩn trực tuyến có chủ đề về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Phát biểu tại buổi hội chẩn trực tuyến, TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, cho biết đây là hoạt động giúp cán bộ y tế có thể chẩn đoán chính xác ca bệnh. Đồng thời, tạo cơ hội để nhiều bệnh viện tham gia học tập kinh nghiệm.

Tới nay, đề án khám, chữa bệnh từ xa đã được triển khai hơn 9 tháng. Hệ thống mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa từ trung ương, địa phương tới các bệnh viện huyện, cũng như trung tâm y tế trên cả nước.

"Hiện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã xây dựng trên 100 điểm cầu. Hội chẩn trực tuyến nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng, pháp luật, tránh tai biến không đáng có xảy ra. Đã có hàng trăm cuộc hội chẩn trực tuyến, hàng trăm cuộc đào tạo, tập huấn trực tuyến, cứu sống hàng chục ca bệnh hiểm nghèo. Khám, chữa bệnh từ xa sẽ sớm được đưa vào các hoạt động thường quy, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm", TS Thái nhấn mạnh.

Bệnh viện Việt Đức lắng nghe báo cáo.
Bệnh viện Việt Đức lắng nghe báo cáo.

Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá đã báo cáo ca bệnh gãy mỏm vẹt do tai nạn giao thông. Sau báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá, PGS.TS Ngô Văn Toàn - nguyên Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức, cho biết:

"Gãy mỏm vẹt là tình trạng hiếm gặp. Gãy mỏm vẹt gây trật khuỷu, liên quan đến khớp quay trục trên. Cần nêu gãy đơn giản hay phức tạp, độ 1, 2 hay 3. Lưu ý: Các bác sĩ không nhất thiết phải tháo trang thiết bị cho bệnh nhân. Nếu tháo không cẩn thận, tỷ lệ liệt là 1/3. Mổ gãy mỏm vẹt khó và cần tính chuyên nghiệp".

Cũng theo PGS Toàn, đối với gãy hở, phải bảo đảm xử lý vết thương thật tốt, phần mềm ổn định từ 7 - 10 ngày.

PGS.TS Ngô Văn Toàn tại buổi hội chẩn.
PGS.TS Ngô Văn Toàn tại buổi hội chẩn.

Tiếp nối buổi hội chẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trình bày về ca bệnh biến dạng xương đùi sau nhiều lần phẫu thuật. Theo PGS.TS Ngô Văn Toàn, gãy thân xương có nhiều đoạn, nhiều tầng là nguy cơ dẫn tới khớp giả, dẫn tới thất bại.

"Ghép xương như kéo xe bò lên dốc, sức không kéo được thì phải nhờ hỗ trợ. Hiện nay, ghép xương tự thân vẫn là lựa chọn số 1", chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trình bày về ca bệnh có vết thương khuyết phần mềm cổ - bàn chân T/chấn thương sọ não ổn định do tai nạn giao thông. Để xử trí ca bệnh này, các bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển vạt tự do, lựa chọn vạt da - cân - cơ đùi trước ngoài được nuôi bởi nhánh xuống của động mạch mũ đùi ngoài.

Trường hợp cuối cùng, Bệnh viện Bãi Cháy trình bày về ca bệnh viêm rò khớp háng sau phẫu thuật 5 năm. Góp ý về ca bệnh này, BSCKII Phạm Hữu Khuyên - Phó Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết: "Với khớp háng nhân tạo được làm từ vật liệu titan, các bác sĩ có thể chụp cộng hưởng từ. Nếu là kim loại khác, việc sử dụng cộng hưởng từ sẽ vô cùng nguy hiểm. Với cắt lớp vi tính, chỉ một số máy hiện đại có thể giảm nhiễu trên vật liệu kim loại. Khi đó, các bác sĩ có thể xem khớp xương, khung chậu xung quanh...".

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Văn Toàn nhấn mạnh, thay khớp háng nhiễm trùng là một thất bại nặng nề. Đặc biệt, nếu chẩn đoán không hợp lý có thể gây tử vong ở bệnh nhân. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ cần nhìn cấu trúc xương để có thái độ xử trí hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.