Trưa ngày 30 Tết, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19 (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) các giáo sư, chuyên gia đầu ngành Y tế, cùng các thành viên Tiểu ban điều trị đã Hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng trên toàn quốc.
Buổi hội chẩn kết nối đến các điểm cầu đang điều trị bệnh nhân COVID-19 trên cả nước.
Tại buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị thì BN 1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng là trường hợp có diễn tiến sức khoẻ nặng nhất. Diến tiến bệnh của bệnh nhân có vẻ sắp giống bệnh nhân 91, phi công người Anh. Ngoài ra, tại Quảng Ninh cũng có một số bệnh nhân nặng. Vì thế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 phải rà soát lại tất các các bệnh nhân trước khi vào đêm 30 Tết; đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhân có nguy cơ diễn biến bất thường.
Theo đó, BN1536 (79 tuổi từ Mỹ về) nhập viện từ ngày 15/1. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 trên bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim; biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu. Trong quá trình điều trị, cùng với nhiều giải pháp chuyên môn khác, bệnh nhân đã được chỉ định can thiệp ECMO. Đến nay, Hội đồng chuyên môn đã 6 lần hội chẩn quốc gia bàn phương án điều trị tốt nhất cho BN1536.
Theo đề nghị của GS.TS Ngô Quý Châu, BV Phổi Đà Nẵng cần lấy lại mẫu dịch phế quản của bệnh nhân để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm gần nhất vào ngày 7/2 của bệnh nhân vẫn dương tín với SARS-CoV-2.
GS.TS Nguyễn Văn Kính cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng rối loạn đông máu có vẻ trầm trọng hơn, tình trạng phổi của bệnh nhân có khá hơn. Bệnh viện cần xem xét tất cả các yếu tố để lý giải tình trạng này. Đồng thời, cần xem xét chiến lược về kháng sinh, thời gian qua đã điều trị bao vây nhưng tình trạng bệnh nhân không thay đổi; cân nhắc về thời gian thay quả lọc sớm…
Đối với đề xuất có nên dùng 2 mẫu huyết thanh của bệnh nhân đã khỏi COVID-19 cho BN1536 hay không, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết hiện nay có 4 nghiên cứu trên thế giới về tác dụng của huyết thanh song “có nơi bảo có thể tốt, có nơi lại không ăn thua”. Ngoài ra, nồng độ kháng thể trong mẫu huyết thanh lưu trữ trong tủ lạnh cũng tự động thoái hóa.
GS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh, do đó, hai mẫu huyết thanh để từ lâu thì nồng độ huyết thanh đã giảm, nếu BV muốn dùng thì cần định lượng lại lượng kháng thể. Chỉ với 2 mẫu huyết thanh này cũng không đủ vì thế BV cố gắng xem xét lại toàn bộ quá trình điều trị để có giải pháp phù hợp”
BSCK II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại đầu cầu BV Dã chiến Chí Linh đã đề xuất vì đã dùng nhiều loại kháng sinh nên việc các cấy bệnh phẩm khó mọc được vi khuẩn. Vì thế, Bệnh viện nên lấy mẫu gửi đi làm PCR. Ngoài ra cũng nên xem xét việc dùng thuốc an thần, giãn cơ.