Hầu hết giáo viên, phụ huynh, học sinh đều mong tiêm vắc xin xong sẽ được tới trường đi học trở lại.
Rất vui khi được tiêm
Theo cô Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8, TPHCM), nhà trường có khoảng 1700 học sinh của 3 khối (10, 11, 12) tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt này. Hiện nay nhà trường đã tiến hành thực hiện tiêm cho học sinh khối 12, 11. Dự kiến trong 3 ngày nhà trường phối hợp với y tế địa phương tiêm cho hầu hết học sinh của nhà trường.
“Học sinh và phụ huynh rất phấn khởi khi học sinh được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tôi hi vọng sau khi thành phố tiêm vắc xin cho các em từ 12 đến 17 tuổi, các em sớm quay lại trường học” - cô Lê Thị Hồng Anh chia sẻ.
Đến điểm tiêm tại trường rất sớm, Nguyễn Quốc Duy -học sinh lớp 11A11 Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM cho biết: “Em rất vui khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Em sẽ không còn lo sợ khi ra đường và rất phấn khởi khi sắp trở lại trường”.
Tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM), thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường có 1400 học sinh tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt này.
“Lịch tiêm của trường ngày 29/10 tiêm khối 12; 30/10 tiêm khối 11; 31/10 tiêm khối 10. Nhà trường khuyến cáo học sinh và phụ huynh phải tuân thủ thực hiện theo các bước tại điểm tiêm chủng; Chuẩn bị bút viết, nước uống, nước rửa tay, in sẵn các mẫu phiếu (nếu có thể); Giữ gìn trật tự, giữ khoảng cách với người xung quanh; Ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng; Ngủ đủ giấc, không thức khuya; Không đưa học sinh đến địa điểm tiêm nếu phụ huynh hoặc học sinh có các dấu hiệu: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi…” - thông báo của Trường THPT Nguyễn Du nêu.
Nói về công tác chuẩn bị, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết, nhà trường gửi nội dung cam kết cho phụ huynh tham khảo trước. Phụ huynh sẽ được biết loại vắc xin chích cho con mình trước khi ký vào tờ cam kết và đưa con đến trường, nếu đồng ý .
Học sinh đến trường tiêm được đo thân nhiệt, rửa tay, mang khẩu trang, một bộ phận đưa học sinh lên phòng ngồi chờ dưới sự giám sát giáo viên chủ nhiệm.
Từng nhóm 5 học sinh được gọi xuống phòng khám sàng lọc trước khi tiêm. Tiêm xong học sinh được bố trí một phòng ngồi chờ 30 phút trước khi ra về. Sau mỗi buổi trường phun khử khuẩn để môi trường được an toàn, trong lành hơn…
Chị Bích Vân (phụ huynh học sinh tại Trường THPT Nguyễn Du) chia sẻ: “Thấy con đi tiêm tôi vừa vui nhưng cũng hơi có chút lo lắng. Tuy nhiên đọc thông tin phân tích trên các phương tiện truyền thông thì gia đình cũng an tâm. Hy vọng sau đợt tiêm này mọi thứ ổn định và học sinh được trở lại học trực tiếp tại trường”.
Phụ huynh đồng thuận cao
Thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, tính đến chiều 25/10 có 92,13% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo kết quả khảo sát từ các trường THCS , THPT trên địa bàn.
Cụ thể toàn thành phố có 655.715/711.702 phụ huynh học sinh từ 12-17 tuổi đồng ý cho con em mình tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, tỉ lệ đồng thuận cao nhất là phụ huynh khối lớp 9. Địa phương có tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cao nhất là huyện Hóc Môn với 98,79%. Quận 7 là địa phương có tỉ lệ đồng thuận thấp nhất với 79,18%.
Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Q.8, TPHCM cho biết, toàn quận có trên 23 ngàn học sinh có độ tuổi từ 12-17. Phòng GD&ĐT phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm tại 11 điểm tiêm. Hôm nay, quận 8 tiêm cho học sinh khối 11. Mọi việc đều diễn ra an toàn theo kế hoạch.
Còn đại diện Trường THCS Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết trường đã lập danh sách học sinh đủ tuổi, lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh, gửi về phòng GD&ĐT để tổng hợp. Ngoài ra, UBND huyện còn khảo sát và xem địa điểm trường có tổ chức tiêm ngừa cho học đuọc hay không. “Ngày mai học sinh của trường sẽ bắt đầu tiêm vắc xin” - đại diện Trường THCS Đa Phước cho biết.
Theo TS.BS Trần Đức Sĩ (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM), quy trình khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm cho trẻ có những điểm khác người lớn. Các em không thể tự khai báo tiền sử tình trạng sức khỏe.
Do đó, khi khám sàng lọc, phụ huynh cần nắm rõ tiểu sử của trẻ. Với nhóm trẻ thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền như: đái tháo đường type 1, 2; béo phì; hen suyễn hoặc bệnh phổi mạn tính; bệnh di truyền, thần kinh hoặc chuyển hóa; bệnh hồng cầu hình liềm; tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch, khi mắc Covid-19 cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh nặng hơn. Do đó, những nhóm trẻ này cần được ưu tiên tiêm trước và cần thực hiện tiêm chủng tại bệnh viện….
“Cần lưu ý rằng dù đã được tiêm ngừa vắc xin, trẻ vẫn phải mang khẩu trang trong phòng học cũng như những không gian kín khác. Việc mang khẩu trang khi hoạt động ngoài trời sẽ tùy theo khuyến cáo của chính quyền từng nơi, từng thời điểm dựa trên tình hình dịch bệnh cũng như mức độ tiếp xúc” - TS.BS Trần Đức Sĩ chia sẻ.
Ngày 29/10 tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT TPHCM thông tin sẽ đề xuất lên UBND phương án khi học sinh khối 9 và 12 tiêm đủ 2 mũi vắc xin được đi học trực tiếp từ tháng 12-2021.