Cô Trịnh Thị Phương Thảo (Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên) đã thử nghiệm sư phạm việc thiết kế, biên tập nguồn học liệu điện tử được đăng tải tại địa chỉ mlearningvn.com và sử dụng một số chức năng của ĐTDĐ hỗ trợ học sinh lớp 12 tự học toán.
Bước đầu mang lại kết quả rất khả quan, cho thấy việc sử dụng một số chức năng của ĐTDĐ hỗ trợ HS tự học toán đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tự học.
Theo cô Thảo, việc khai thác một số ứng dụng trên ĐTDĐ hỗ trợ HS tự học Toán đã mang lại nhiều yếu tố mới tích cực. Học Toán bằng điện thoại di động có rất nhiều ưu điểm:
Cá nhân hóa cao độ việc tự học
Nguồn học liệu điện tử sẽ cung cấp các tri thức, bài tập và gợi ý, trợ giúp từ nhiều nguồn, do đó HS có thể lựa chọn những nội dung phù hợp, dạng thức yêu thích, phương pháp học tập hoặc công cụ rèn luyện hỗ trợ. Mặt khác, ĐTDĐ có tính cá nhân nên việc tự học cũng được thực hiện di động và cá nhân hóa tùy theo nhu cầu của mỗi HS.
Góp phần tạo động cơ tự học cho học sinh
Nhiệm vụ tự học của HS được thiết kế và ủy thác một cách linh hoạt dưới các hiệu ứng đa phương tiện có tác dụng như đòn bẩy, làm nẩy sinh động cơ tự học.
Trong quá trình tự học, HS liên tục được tiếp cận với nguồn tài nguyên, thông tin hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ giúp HS lần lượt hoàn thành từng nhiệm vụ một, điều này làm tăng khả năng tự tin cho HS để HS tiếp tục xuất hiện động cơ, mong muốn tiếp tục được kết nối, nhận nhiệm vụ mới.
HS không còn những “khoảng thời gian nhàn rỗi” với những nhiệm vụ học tập dở dang mà say mê, khám phá từ vấn đề này sang vấn đề khác và tiếp tục chiếm lĩnh tri thức mới với sự hỗ trợ của người Thầy “ảo” ẩn mình dưới các trang web.
Mở rộng cộng tác và tăng cường giao tiếp
Với các chức năng cơ bản hầu hết ĐTDĐ với cấu hình phổ thông đều có thể cho phép triển khai, thực hiện việc tự học với một nhóm HS mà không có bất kỳ hạn chế nào về thời gian, địa điểm… và có thể vượt ra ngoài khuôn khổ một trường phổ thông, một vùng quê.
Tất cả những HS này tạo thành một cộng đồng cùng tham gia tự học một vấn đề và tất nhiên mỗi thành viên ngoài việc nhận được hỗ trợ từ tất cả những người tham gia bằng những thông tin kịp thời cũng có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ các thành viên của nhóm. Quá trình này cho phép HS mở rộng cộng tác và tăng cường giao tiếp.
Nguồn học liệu “tự sinh”
Nguồn HLĐT có tính tự sinh theo cấp số nhân. Khi càng có nhiều HS sử dụng HLĐT thì càng có nhiều thông tin được cung cấp cho HS, thì cũng càng có nhiều ý kiến phản hồi từ HS và những kinh nghiệm, cách giải quyết vấn đề được HS đưa lên mạng để chia sẻ với các thành viên trong nhóm và cộng đồng.
Kết quả là với ĐTDĐ, tự học sẽ trở thành “việc học tập ở khắp nơi” được đảm bảo bởi những mạng lƣới có thể truy cập được ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào phục vụ các mục đích khai thác khác nhau.
Cho phép GV kịp thời hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho HS
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, người thầy dễ dàng giải đáp những thắc mắc, kiểm tra tính đúng đắn những kết quả tự học của HS… trên cơ sở đó mà tiếp tục hỗ trợ, trả lời email, giao thêm nhiệm vụ.
Công việc này có thể được người Thầy thực hiện mọi lúc, mọi nơi với một chiếc ĐTDĐ. Như vậy, thông tin đƣợc chuyển tải đến HS luôn được cập nhật.
HS có cơ hội thực hiện một vài chức năng của người thầy
Mỗi khi gặp khó khăn hay cần kiểm chứng một vấn đề nào đó trong quá trình tự học, HS sẽ chia sẻ với các thành viên trong nhóm hay rộng hơn là cộng đồng các bạn có quan tâm đến vấn đề thông qua tin nhắn SMS, facebook, các diễn đàn.
Khi đó những HS biết cách giải quyết vấn đề sẽ trở thành những “gia sư” hướng dẫn các bạn khác. Thậm chí có những HS chưa giải quyết được nhưng khi có sự yêu cầu trợ giúp cũng sẽ dành thời gian nghiên cứu và mong muốn mình sẽ là ngƣời đầu tiên tìm ra cách giải quyết vấn đề và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn.
Như vậy, những khó khăn, vướng mắc của HS này lại trở thành động cơ học tập của HS khác và bản thân mỗi HS cũng có những thời điểm sẽ đóng vai trò người thầy hỗ trợ các bạn khác tự học dưới hình thức trình bày lại những vấn đề mình đã tích lũy được cho các bạn, thúc đẩy quá trình giao tiếp Toán học giữa các HS một cách có ý nghĩa.
Tiết kiệm chi phí
Về góc độ nhà trường, với việc sử dụng các thiết bị di động của người học cho phép tiết kiệm được chi phí về lớp học, đi lại và các dịch vụ đi kèm cho cả đội ngũ GV lẫn người học.
Về phía HS, với một khoản đầu tư với mục đích ban đầu là gọi điện, nhắn tin, đọc email, đọc báo điện tử, chat, chơi trò chơi… HS đã có một thiết bị đa phương tiện hiện đại để tham gia môi trường học điện tử mà không phải đầu tư thêm một khoản kinh phí nào nữa.
Tiết kiệm thời gian
Các vướng mắc của HS sẽ được phản hồi tức thì. HS không cần phải lên thời gian biểu cho các tiết học theo chủ đề hoặc phải chờ đợi để được nghe bài giảng.
Việc học tập được cá thể hóa cao độ theo nhu cầu và thời gian của chính người học, điều này đồng nghĩa với việc HS hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ tự học phù hợp với năng lực và thời gian biểu của bản thân.
Được biết, ứng dụng trên điện thoại di động hỗ trợ học sinh học Toán của cô Thảo đã được thử nghiệm sư phạm tại nhiều trường THPT trong cả nước và đã đem lại nhiều kết quả khả quan.
Với thế mạnh của mình, các phương tiện CNTT đang đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính sáng tạo của học sinh trong quá trình tiếp nhận kiến thức.