Bên cạnh tích hợp nội dung vào giảng dạy các môn học, tài liệu giáo dục địa phương, Nghệ An tận dụng địa chỉ đỏ, nơi Bác từng ghé thăm để giáo dục học sinh về nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.
Lan tỏa phong trào học và làm theo lời Bác
Là cái nôi phát hiện, nuôi dưỡng và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Nghệ An, mỗi năm, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tham gia nhiều kỳ thi quan trọng với các lĩnh vực khác nhau.
Nhưng riêng cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh” rất đặc biệt khi có sự hưởng ứng tham gia của đông đảo học sinh nhà trường. 3 năm qua, trường đều có học sinh đại diện cho tỉnh tham gia thi vòng chung kết toàn quốc với 2 giải Nhất và 1 giải Nhì.
Gần đây nhất, Nguyễn Nhật Vy (học sinh lớp 12C2) đã giành giải Nhì toàn quốc cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” dành cho khối học sinh trung học. Nữ sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu chia sẻ, đây là cuộc thi tổng hợp nhiều kiến thức, lĩnh vực từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lịch sử, địa lý, biển đảo Việt Nam...
Nhật Vy cho hay em rất thích cuốn sách “Bút tích và toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, và lần đầu tiên em đã đọc liền một mạch đến đến 2 - 3 giờ sáng. Cuốn sách còn được nữ sinh đọc lại nhiều lần đến mức gần như thuộc lòng.
Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) với nhiều hình ảnh, kỷ vật là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. |
Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, trong suốt 12 năm học, Nhật Vy và các bạn nhiều lần được tham quan, học tập tại các khu di tích quốc gia đặc biệt như quê nội, quê ngoại Bác Hồ, đền Chung Sơn, mộ bà Hoàng Thị Loan…
“Khi đến địa chỉ đỏ này, những điều trong tài liệu, sách báo về Bác lại hiện ra rõ ràng, sinh động hơn. Em học được nhiều điều bổ ích, có thể áp dụng trong học tập, sinh hoạt và cả định hướng tương lai. Đặc biệt, Bác là tấm gương lớn về tinh thần tự học, dù có thời điểm Bác sống trong môi trường vô cùng ngặt nghèo. Điều đó đã dạy cho em ý thức tự học, vượt qua trở ngại để kiên trì theo đuổi mục tiêu”, Nhật Vy nói.
Để lan tỏa phong trào học tập làm theo tấm gương Bác Hồ đến các thế hệ học sinh, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã giao cho nhóm giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cô Lê Kim Long, giáo viên môn Giáo dục công dân - phụ trách chính chia sẻ, trong quá trình học sinh tham gia cuộc thi, cô và các giáo viên trong tổ cố gắng xây dựng bộ đề trên 500 câu hỏi với nhiều chủ đề. Trong đó có câu hỏi về thân thế, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di chúc của Bác, lịch sử, dân vận, quân đội; chùm câu hỏi biển đảo… và tập hợp nhiều tài liệu để học sinh tham khảo.
Học sinh Trường Tiểu học Làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn háo hức mỗi lần được đến thăm quê nội Bác Hồ. |
Xứng đáng là giáo viên, học sinh quê Bác
Cô Lưu Thị Thanh Nga là giáo viên Ngữ văn Trường THCS Kim Liên và cũng là người con sinh ra trên mảnh đất Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cô không nhớ mình đã bao nhiêu lần dẫn học trò đến thăm mái tranh đơn sơ và kỷ vật đặc biệt ở Làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại Bác Hồ. Đặc biệt dịp sinh nhật Bác hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho giáo viên, học sinh đến thắp hương tưởng nhớ, bày tỏ tình cảm, sự tri ân đến Người.
“Dù đã vô cùng thân thuộc, nhưng lần nào bước đến mảnh vườn nhỏ quê Bác, tôi đều bồi hồi xúc động. Không chỉ học sinh được học tập làm theo gương Bác, bản thân cũng lắng lại cảm xúc, ‘thấy lòng trong sáng hơn’, soi lại mình trong cuộc sống, dạy học để xứng đáng là người con, người giáo viên trên quê hương Bác”, cô Thanh Nga tâm sự.
Dù ở tuổi học sinh, nhưng Thanh Liêm, lớp 9A, Trường THCS Kim Liên đã là một “hướng dẫn viên” thành thạo khi giới thiệu về quê nội, quê ngoại, các kỷ vật gắn liền với gia đình Bác. Nữ sinh Trường THCS Kim Liên chia sẻ, ngôi nhà, những vật dụng của gia đình Bác rất đơn sơ, mộc mạc. Sau này, Bác cũng rất giản dị, gần gũi và thân thuộc với nhân dân, đồng bào.
Quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. |
“Em đặc biệt ấn tượng với tấm biển ‘Ân tứ ninh gia’ - nghĩa là Ơn ban cho gia đình tốt được treo trang trọng tại gian chính thờ gia tiên Bác Hồ. Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc dự thi Hương năm Giáp Ngọ và đỗ cử nhân. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) cụ đỗ Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu và được vua Thành Thái ban tặng biển ‘Ân tứ ninh gia’.
Trước đây, em không hiểu rõ hết ý nghĩa của dòng chữ này, nhưng đọc thêm lịch sử càng thấy cảm phục truyền thống của gia đình Bác và tự hào, hãnh diện khi được sinh ra, lớn lên, học tập và là một phần của quê Bác. Mỗi dịp đến thăm khu di tích, em càng ý thức phải cố gắng hơn nữa để học tập, rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng” - Thanh Liêm cho biết.
Với học sinh xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, quê nội và quê ngoại Bác Hồ đã trở thành địa chỉ quen thuộc. Nhiều năm liên tục, từ bậc tiểu học, các Trường Tiểu học Làng Sen, Tiểu học Hoàng Trù (xã Kim Liên) duy trì cuộc thi
“Em làm hướng dẫn viên trên quê hương Bác” với nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn mỗi năm học. Nhà trường đưa ra định hướng, các em tự tìm hiểu qua việc hỏi ông bà, bố mẹ, các anh chị để tăng thêm hiểu biết.
Ngoài tìm hiểu về quê nhà, gia đình, cuộc đời sự nghiệp của Bác, còn có nội dung giới thiệu các danh nhân lịch sử, di tích, các làng nghề của Nam Đàn. Qua đó, nhà trường nuôi dưỡng cho các em lòng tự hào được sinh ra trên quê hương là cái nôi cách mạng. Ươm mầm “hướng dẫn viên nhí” để dần dần, các em có thể giới thiệu, thuyết minh về quê Bác cho bất cứ người khách nào.
Cô trò Trường Tiểu học Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn) đến thăm đền Chung Sơn - thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Vun đắp ý thức nỗ lực trong học tập
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ kịp về thăm quê 2 lần vào năm 1957 và năm 1961. Trong đó, năm 1961, Bác Hồ đã dành thời gian đến thăm “quê lúa” Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Đến năm 2011, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành đã được xây dựng và khánh thành nằm cùng khuôn viên trụ sở xã. Trong đó, lưu giữ hình ảnh, kỷ vật trong lần Bác về thăm, động viên, căn dặn Đảng bộ, chính quyền, bà con nơi đây được lưu giữ, trưng bày cẩn thận.
Những tư liệu đó góp phần nhắc nhở thế hệ lãnh đạo, người dân sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi đặc biệt để các nhà trường dạy Chương trình giáo dục địa phương cho học sinh.
Thầy Trần Vĩnh Tường, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành chia sẻ, theo lịch sử ghi lại, năm 1960, Vĩnh Thành là xã đầu tiên của Nghệ An tiến lên xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, đưa lại hiệu quả và là đơn vị tiêu biểu trong phong trào trồng cây, gây rừng.
Từ những thành tích tiêu biểu này, năm 1961 nhân dân xã Vĩnh Thành vinh dự được đón Bác về thăm. Tin có Bác về thăm khiến tất thảy bà con vui mừng, mong ngóng, cả học sinh cũng được tập trung đến để đón Người ở Rú Tháp khi trực thăng đáp xuống. Sự kiện này trở thành mốc lịch sử đặc biệt của nhân dân Vĩnh Thành và suốt hơn 60 năm qua, người dân nơi đây luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện lời dạy, di huấn của Bác.
Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành cho hay: “Khu lưu niệm nằm ngay gần trường có diện tích không quá lớn, số lượng hiện vật không đồ sộ, nhưng mỗi bức ảnh, mỗi kỷ vật chính là một câu chuyện sống động gắn liền với con người, thời kỳ lịch sử cách mạng, sự đổi thay, phát triển của Vĩnh Thành. Đó cũng là địa chỉ đỏ và nguồn tư liệu quý giá để chúng tôi giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, lý tưởng cho học sinh”.
Theo thầy Trần Vĩnh Tường, những năm qua, nhà trường giao cho giáo viên lưu ý lồng ghép trong dạy nhiều môn học để việc “học tập làm theo Bác” thường xuyên, linh hoạt, ý nghĩa. Ví dụ hình ảnh Bác rất giản dị bộ quần áo kaki và đôi dép cao su, thăm hỏi, tặng quà một số người dân và nói chuyện với đông đảo cán bộ, nhân dân khi Bác đang là lãnh tụ dân tộc. Điều đó dạy cho học sinh đức tính giản dị, khiêm tốn, gần gũi, nhân văn của Người.
Đặc biệt trong lần về thăm quê lúa Vĩnh Thành, Bác đến thăm nhà trẻ, trường học của xã, thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với thế hệ trẻ, với giáo dục. Bên cạnh đó, khi cho học sinh tìm hiểu, so sánh hình ảnh làng mạc trước đây và Vĩnh Thành bây giờ, nhà trường cũng giáo dục các em lòng tự hào, tình yêu quê hương và vun đắp ý thức nỗ lực trong học tập để trưởng thành, tiếp nối thực hiện di huấn của Bác, góp sức cho quê hương, đất nước giàu đẹp hơn.
Việc tới dâng hương tại Quảng trường Hồ Chí Minh hay các di tích về Bác được thực hiện thường xuyên như những “tài liệu sống” chân thực, ý nghĩa. Từ đó, học sinh hiểu hơn về lịch sử, những hy sinh của thế hệ đi trước để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ để thêm yêu, tự hào về lịch sử, quê hương đất nước. Chúng tôi mong muốn, mỗi học sinh noi gương từ Bác Hồ - nhân cách lớn, soi lại bản thân mình mà tu dưỡng đạo đức, rèn luyện kỹ năng, bồi đắp kiến thức trở thành “nguồn nhân lực chất lượng” cho địa phương, đất nước. Đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ của các thế hệ thầy trò nhà trường. - Cô Lê Kim Long