Học tập suốt đời phải bắt đầu từ rất sớm

GD&TĐ - Mỗi người khi sinh ra và lớn lên cần có cách thức học tập suốt đời thường xuyên, liên tục, xây dụng một xã hội học tập. Từ đó góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Mọi người đều có cơ hội học tập suốt đời
Mọi người đều có cơ hội học tập suốt đời

Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Sơn (Bộ GD&ĐT) và TS Trần Đình Châu – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực liên quan đến vấn đề xây dựng xã hội học tập.

Một cộng đồng – XHHT – lành mạnh, chu đáo chính là môi trường học tập tốt nhất. Học tập suốt đời phải bắt đầu từ rất sớm và không chỉ bó hẹp trong nhà trường mà học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi điều kiện khác nhau.

TS Trần Đình Châu

Học tập suốt đời phải bắt đầu từ rất sớm

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn và TS Trần Đình Châu, xây dựng xã hội học tập (XHHT) nên quan niệm được khởi đầu từ lứa tuổi còn rất nhỏ. 

Nhiều nghiên cứu cho biết, khả năng học tập của con người phát triển mạnh ở các giai đoạn dưới 4 tuổi, 7 tuổi và đến trước 15 tuổi.

Học tập đích thực của mỗi đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh tự tin bắt đầu diễn ra ngay trong mỗi gia đình tràn đầy yêu thương. 

Những phụ huynh được chuẩn bị tốt học tập suốt đời trong một xã hội học tập chính là những người thầy đầu tiên, tốt nhất của con cái họ.

PGS.TS Phạm Văn Sơn nhấn mạnh, học tập suốt đời phải bắt đầu từ rất sớm, Ivan Pavlov nhà sinh học người Nga đã cho rằng: “Trẻ sinh ra 3 ngày mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày”. Hướng tới XHHT chính là hướng tới xây dựng những bậc làm cha mẹ - người thầy tốt nhất – đầu tiên của lớp trẻ.

“Đó cũng chính là lý do tại sao các nhà khoa học ở Mexico đã tư vấn cho các bậc phụ huynh lên một kế hoạch học tập cụ thể cho từng học sinh; nhiều em bé lên 6 tuổi mới vào lớp 1 ở NewZealand đã được học và tự làm được các chương trình truyền hình đơn giản” - PGS.TS Phạm Văn Sơn chia sẻ.

Các giai đoạn tiếp theo, thông qua phối hợp với nhà trường, gia đình, và một xã hội học tập, mỗi người sẽ không ngừng bổ sung những kiến thức và kỹ năng mới mẻ trong suốt cuộc đời, với cơ hội gần như vô tận những phương pháp đào tạo và học tập nâng cao, học tập suốt đời.

Mỗi người có cách học khác nhau

TS Trần Đình Châu chia sẻ: Thuyết đa trí tuệ (trí thông minh đa dạng) đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về trí thông minh. Mỗi người bình thường đều tồn tại nhiều dạng trí thông minh nhưng chỉ có vài ba dạng trí thông minhnooir trội hơn – tức mặt mạnh của mỗi cá nhân.

Không có đứa trẻ nào thông minh hơn đứa trẻ nào, chỉ có điều mỗi đứa trẻ thông minh theo cách khác nhau, và trẻ em học tốt nhất dựa vào trí thông minh nổi trội của mình, mỗi người có cách học riêng.

Vì vậy trong xây dựng XHHT cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức học tập: học tập trung, học thông qua âm nhạc, học thông qua giao tiếp, học nhóm… với các phương tiện hỗ trợ như điện thoại, máy tính, Internet…

Nhờ các phương tiện hỗ trợ, cơ hội học tập suốt đời được diễn ra cá nhân hóa trong một xã hội học tập, học mọi nơi, mọi lúc.

Trong XHHT cần chú trọng hình thức đánh giá, nhận xét cũng như các khen thưởng cần đa dạng hơn theo thuyết đa trí tuệ, chứ không nên chỉ chú trọng khen thưởng những học sinh đạt thành tích cao về điểm số ở một số môn học trong nhà trường, chẳng hạn những học sinh có trí thông minh về vận động cơ thể, giao tiếp, tự nhiên học chưa được quan tâm.

Thông qua các chương trình nhà trường đào tạo và trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn, Ngoại ngữ, vi tính, rèn luyện cách tư duy độc lập giải quyết vấn đề, cách thức nghiên cứu vấn đề, cách tìm tài liệu.

Đồng thời, cũng chú ý giáo dục một số kỹ năng mềm cho sinh viên như: Kỹ năng giao tiếp, trình bày… cách tự học để bổ sung cập nhật kiến thức sau tốt nghiệp.

Giáo dục cho sinh viên một tinh thần, thể lực tốt. Để đào tạo một người có thể lực, sức khỏe tốt có tinh thần hoàn thành công việc với áp lực cao.

Vận dụng triết lý giáo dục 4 trụ cột của UNESSCO

Liên quan đến nội dung và phương pháp học tập, PGS Phạm Văn Sơn cho rằng, giáo viên đưa bài giảng và bài tập trên mạng internet để sinh viên thảo luận, nghiên cứu và làm bài tập.

Sinh viên phải được chuẩn bị hội nhập, nhà trường tăng cường các hình thức học tập như: Gửi bài tập, tài liệu học tập qua mạng, giảm thời gian ghi chép trên lớp, giờ đến lớp chủ yếu tập trung vào gợi ý, thảo luận, học cách trình bày.

Cần dành thời gian cho sinh viên hoặc có giải pháp để khuyến khích sinh viên học và tham gia các hoạt động, tập dượt các kỹ năng mềm như: học PR, học cách làm việc nhóm thông qua tổ, nhóm và thông qua các câu lạc bộ do học sinh, sinh viên chủ trì…

Giảm được số giờ học lý thuyết để chuyển qua một số giờ tham gia bài chuẩn bị hội thảo hoặc thêm những khóa học ngắn hạn; các lớp và chương trình hội thảo do trường, khoa phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức.

Đặc biệt, cần vận dụng theo triết lý giáo dục 4 trụ cột của UNESSCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Các nhà trường cần quan tâm đổi mới phương pháp dạy học; phương pháp gợi ý và thảo luận.

Học tổ chức nhóm, hội thảo… Từ năm thứ 3 và năm thứ 4 đại học, dành một thời gian học những khóa học ngắn hạn để định hướng và để thực hành nghề nghiệp cho sinh viên.

Trong XHHT cần trao đổi cho người học các công cụ (đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông) và chính các công cụ đó sẽ làm thay đổi cách học tập.

Học đi đôi với hành

Nhà trường phải hợp tác cùng các doanh nghiệp. Bởi việc hợp tác này có lợi cho cả hai phía, trong đó có doanh nghiệp sẽ chuẩn bị tiếp nhận nguồn nhân lực trình độ cao cho doanh nghiệp mình một cách dễ dàng.

Thường xuyên tổ chức hội thảo và đưa vào chính khóa. Nội dung các cuộc hội thảo kết hợp với doanh nghiệp cùng tổ chức gắn việc học với chương trình nghiên cứu thực tế, tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế.

Giáo viên đưa bài giảng và bài tập trên mạng internet để sinh viên thảo luận, nghiên cứu và làm bài tập. Sinh viên phải được chuẩn bị hội nhập, nhà trường, tăng cường các hình thức học tập.

Chương trình hội thảo phân bổ đều trong hai năm cuối đại học với những sáng tạo, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, cách phản biện.

PGS.TS Phạm Văn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ