Song song với những đánh giá về nhận xét HS, điểm số trong các bài kiểm tra định kỳ cũng góp phần phản ánh thực chất kiến thức và năng lực của từng em. Tuy nhiên, dư luận đang cho rằng, số điểm 10 xuất hiện trong hồ sơ HS tại các thành phố lớn như Hà Nội là quá nhiều, chưa phản ánh đúng chất lượng của HS. Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - đã có những chia sẻ về vấn đề này.
HS ở vùng thuận lợi đạt chuẩn cao hơn
Trong 2 năm học gần đây, ở bậc tiểu học, số lượng HS đạt điểm 10 môn Toán ở mỗi khối lớp đều trên 35.000 em; môn Tiếng Việt đều trên 20.000 em. Việc số lượng lớn HS ở những khu vực của Hà Nội đạt điểm 10 cả Toán và Tiếng Việt không phải là vấn đề khó khăn. Vì đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ GD&ĐT quy định là áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ở tất cả các vùng miền, kể cả thuận lợi cũng như khó khăn. Do đó, việc HS ở các quận nội thành và các khu vực trung tâm (là những khu vực có điều kiện sinh hoạt, học tập thuận lợi) không những đạt chuẩn mà còn vượt chuẩn so với quy định của Bộ GD&ĐT là chuyện dễ hiểu.
Cụ thể ở môn Toán, việc đạt điểm 10 theo chuẩn kiến thức kỹ năng không phải là khó. Ở Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ HS khá giỏi là trên 80%, trong đó tỷ lệ HS giỏi lên đến 40%. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn cấp tiểu học với 5 khối lớp năm học 2015 - 2016, số HS đạt điểm 10 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán là 247.514, môn Tiếng Việt là 143.570 trên tổng số 617.181 HS. Trước đó, năm học 2014 - 2015, số HS đạt điểm 10 môn Toán là 264.207; môn Tiếng Việt là 167.306 trên tổng số 584.421 HS. Ở cả 2 năm học nói trên, số lượng HS đạt điểm 10 môn Toán và Tiếng Việt ở mỗi khối lớp đều trên 100.000 HS, hầu như ở ngưỡng 130.000 em.
Ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: Tuy không phải tất cả các em đạt điểm 10 Toán sẽ đạt 10 Tiếng Việt, nhưng trong số này lượng HS giỏi đều cả Toán và Tiếng Việt là không nhỏ. Hai năm gần đây, tỷ lệ HS được 10 điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt dao động khoảng từ 20% - 25%, môn Toán vào khoảng 40% - 45%. Ở cấp tiểu học, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm sẽ được lấy làm điểm tổng kết cuối năm để đánh giá HS, đồng thời cũng là điểm được nhập vào hồ sơ để HS nộp đăng ký xét tuyển vào các trường đầu cấp.
Giấy khen dành tặng trong các cuộc thi
Trao đổi về hiện tượng xuất hiện quá nhiều giấy khen trong các hồ sơ xét tuyển vào THCS, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định: Nếu các cuộc thi ở cấp Bộ thì sẽ phải diễn ra theo tuần tự từ cấp trường, cấp quận huyện, cấp thành phố và lên tới cấp quốc gia. Nên những HS nào đã đạt giải cấp quốc gia thì HS đó sẽ có tới 4 giấy chứng nhận.
“Nếu một em HS tham gia cả môn Toán và Tiếng Anh thì em đó sẽ có 8 giấy chứng nhận. Trường hợp HS ấy tham gia thi thêm cả môn Toán bằng tiếng Anh nữa thì sẽ có 12 giấy chứng nhận. Trong lĩnh vực giáo dục thể chất cũng vậy, nếu thi đến cấp quốc gia, HS cũng sẽ có 4 giấy chứng nhận ở tất cả các cấp đã thi. Việc HS có nhiều giấy chứng nhận ở các cấp thi cũng là điều rất bình thường. Ngoài ra, trong hồ sơ các em còn có những giấy khen trong suốt cả cấp học nữa”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phân tích.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, trên thực tế Hà Nội không có quá nhiều cuộc thi trong mỗi năm học do ngành GD&ĐT đứng ra tổ chức hay đồng tổ chức. Trong một năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ tổ chức duy nhất một cuộc thi, đó là cuộc thi Violympic Tiếng Anh; mà cũng chỉ dành cho HS lớp 5 và sự tham gia là hoàn toàn tự nguyện. Còn các cuộc thi khác như thi Trạng Nguyên nhỏ tuổi là do Báo Nhi đồng tổ chức, thi Toán tuổi thơ do Tạp chí Toán tuổi thơ tổ chức. Hay các cuộc thi thể thao là thuộc về lĩnh vực Hội khỏe Phù Đổng, Sở GD&ĐT chỉ đóng vai trò phối hợp để quản lý HS cũng như các hoạt động GD ngoài chương trình chính khóa. Cũng cần lưu ý là hầu như tất cả các cuộc thi này đều mang tính chất tự nguyện.