Học sinh Việt Nam và Nhật Bản thảo luận, giao lưu thư pháp

GD&TĐ - Học sinh Việt Nam và Nhật Bản cùng thảo luận trong tọa đàm, giao lưu thư pháp tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM). 

Trường THPT Mishima tỉnh Ehime - Nhật Bản viết thư pháp.
Trường THPT Mishima tỉnh Ehime - Nhật Bản viết thư pháp.

Chiều 7/3, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) diễn ra tọa đàm chủ đề "Trẻ em – Trái đất – Tương lai", với sự tham gia của học sinh Việt Nam và Nhật Bản

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, Lễ hội Việt-Nhật hàng năm diễn ra với các hoạt động, gồm: Chương trình giao lưu thương mại, ẩm thực và du lịch; quảng bá sản phẩm Việt Nam-Nhật Bản và chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Nhật Bản; hội thảo và hội đàm thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam.

edf36800a01f1141480e-1.jpg
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM.

Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 10 năm nay có một điểm mới chính là buổi tọa đàm giao lưu giữa học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3), Trường THPT Lê Quý Đôn và học sinh thuộc câu lạc bộ Thư pháp Trường THPT Mishima tỉnh Ehime - Nhật Bản.

Theo ông Quốc, chương trình mong muốn tạo cơ hội trao đổi, học hỏi và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa thế hệ trẻ Việt Nam - Nhật Bản.

Đây là cơ hội để học sinh hai nước tìm hiểu về đất nước, con người, nền văn hoá và những thành tựu xây dựng đất nước của nhau, cũng như mối quan hệ gắn bó truyền thống đặc biệt giữa Nhân dân Việt Nam và Nhật Bản.

“Từ đó, học sinh hai nước cùng nhau trò chuyện, cùng nhau vẽ tranh, có cơ hội chia sẻ ước mơ, dự định trong tương lai, hướng đến những hành động chung đóng góp cho việc xây dựng và củng cố mối quan hệ ngoại giao bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản”, ông Quốc cho hay.

Phan Hải Anh - học sinh lớp 11A15 (Trường THPT Lê Quý Đôn) cho rằng, sự có mặt của học sinh Nhật Bản không chỉ mang đến một cơ hội tuyệt vời để giao lưu, học hỏi mà còn góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa học sinh Nhật Bản với học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn nói riêng và hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung.

"Trong ngày hôm nay, học sinh sẽ cùng thảo luận với nhau về chủ đề 'Trẻ em- Trái đất- tương lai- Ước mơ'. Em rất vui vì các bạn đến thăm, giao lưu và có buổi giới thiệu về văn hóa Nhật Bản bộ môn thư pháp", Hải Anh chia sẻ.

21b81676dc696d373478.jpg
Chương trình thu hút nhiều học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia giao lưu.

Sáng cùng ngày, tại Hội thảo về du lịch Nhật Bản năm 2025, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, năm 2024, Việt Nam đón hơn 711.000 lượt khách du lịch đến từ Nhật Bản, riêng TPHCM đón hơn 348.000 lượt khách. Kết quả này giúp Nhật Bản lọt vào top 6 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến TPHCM.

“Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản. Ngay khi vận hành đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi giao thông đô thị tại TPHCM. Đồng thời, thể hiện mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản”, bà Hiếu thông tin.

Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 10 tại TPHCM diễn ra hai ngày 8-9/3/2025 với chủ đề “Cùng nắm chặt tay nhau - Đến tận mai sau” tại Công viên 23/9 (Quận 1, TPHCM).

Sự kiện do UBND TPHCM và Ban tổ chức lễ hội Việt - Nhật phía Nhật Bản đồng tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sau 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: Đăng Đức

Chuyện kể bên dòng Hiền Lương

GD&TĐ - 50 năm sau ngày thống nhất, đất nước đã phát triển không ngừng, giàu mạnh và đang tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.