Học sinh vẫn mơ hồ về giáo dục giới tính

Học sinh vẫn mơ hồ về giáo dục giới tính

(GD&TĐ) - Nhiều chuyên gia chỉ rõ do những hạn chế trong việc giáo dục giới tính đã khiến cho các em mơ hồ về kiến thức, dẫn đến phạm những sai lầm đáng tiếc, thậm chí sinh con ở tuổi cắp sách đến trường. Đa số bố mẹ thì ngại ngần chia sẻ, giáo viên khi dạy lồng ghép chương trình cũng vòng vo khiến học trò càng khó hiểu, càng tò mò hơn.

Giờ nghỉ trưa, một số đồng nghiệp túm tụm quanh cốc trà nóng huyên thuyên đủ chuyện. Thế nhưng, khi đề cập đến việc giáo dục giới tính cho con ai cũng cho là khó bởi cả bố và mẹ đều rất ngại nói đến vấn đề tế nhị tưởng dễ nhưng rất khó nói này. 

Trong khi đó, một anh bạn đồng nghiệp cho biết: Để chuẩn bị cho bài thi hết kỳ, cậu con trai đang học lớp 5 oang oang đọc thuộc bài trứng thụ tinh trùng..., rồi kinh nguyệt, vệ sinh vùng kín mà thấy ngượng với hàng xóm trong khu tập thể. Thấy vậy, anh chỉ nhắc khéo con trai đọc bài bé một chút, đỡ ảnh hưởng đến hàng xóm.

Hãy để các em chủ động tiếp cận với kiến thức về SKSS. Ảnh minh họa: Thanh Tùng
Hãy để các em chủ động tiếp cận với kiến thức về SKSS. Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Một thực tế bấy lâu nay vẫn tồn tại đó là chuyện khi con cái đưa ra câu hỏi về giới tính thì đa số phụ huynh thường lảng tránh sang chuyện khác, tránh “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi nguyên nhân họ không biết chia sẻ với con bắt đầu như thế nào và làm sao cho đúng, cho đủ. Song vẫn có một số bố mẹ chọn giải pháp tự tìm đến các lớp học kỹ năng để trang bị kiến thức cho con, đặc biệt là kiến thức sức khỏe sinh sản. 

Ở nhà, con trẻ không được bố mẹ trang bị kiến thức về giới, còn với ngành GD, những năm gần đây đã đưa chương trình này vào giờ học cho HS từ lớp 4 nhưng vẫn chưa thật đầy đủ. Cũng có GV không giảng dạy trực tiếp mà đi đường vòng, khiến HS vốn tò mò nhưng lại khó hiểu...

Thực trạng GD giới tính trong trường học vẫn còn nhiều hạn chế. Qua điều tra nghiên cứu, hầu hết HS đều muốn được tìm hiểu kiến thức về tâm - sinh lý lứa tuổi. Nhất là các em đến ngưỡng tuổi dậy thì, đang rất mơ hồ về kiến thức giới tính nhưng lại rất tò mò. Cụ thể, hơn 60% HS quan tâm đến vấn đề nâng cao hiểu biết giới tính. Trong khi tỷ lệ tự đánh giá mức hiểu biết của mình còn lơ mơ chiếm đến 67,55%. 

Đã thế, hầu hết sách giáo khoa đang được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường hiện nay đều không có nội dung về GDGT mà vẫn chỉ là lồng ghép trong giờ dạy. Sách Tự nhiên và Xã hội của bậc Tiểu học không có dòng nào về vấn đề này nhưng ở riêng sách lớp 5 đã nói đến vấn đề vệ sinh cá nhân, về quá trình để có em bé từ khi trứng gặp tinh trùng, rồi đến các giai đoạn thai kỳ và em bé chào đời…

Toàn bộ SGK môn Giáo dục công dân trong nhà trường từ cấp TH đến THPT đều không có chương, bài nào nói về cách ứng xử và các hành vi giới tính. Giáo dục công dân lớp 11 có bài về tình yêu nhưng chỉ thuần túy là các khái niệm thuộc đạo đức học. Sinh học lớp 11 và lớp 12 vẫn bỏ qua nội dung SKSS, giới tính. Chỉ duy nhất có Sinh học lớp 8 đề cập đến con người trong chương 11. Nói chung là không có bất cứ kiến thức nào về giới tính một cách sâu sắc và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. 

Những năm gần đây trong xã hội rộ lên các lớp học kỹ năng sống. Các nhà trường cũng đã coi trọng giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính vẫn chưa đầy đủ. Đặc biệt là ngày nay, trẻ em phát triển sớm hơn thời kỳ trước, các em dậy thì sớm. Nhiều bé gái ở thành phố dậy thì ở bậc Tiểu học, phổng phao, như thiếu nữ. Đặc biệt tình trạng HS yêu sớm, thậm chí làm mẹ ở tuổi học đường trở thành tiếng chuông cảnh báo các bậc làm cha làm mẹ. 

Có con gái học lớp 10, vợ chồng chị Phạm Mai Lan lúc nào cũng kè kè đưa đón tối ngày để quản con. Thấy tôi khuyên phải thả con ra cho nó khôn lớn, suôt ngày làm vệ sĩ mệt lắm, anh chồng nhanh nhảu: Bác cứ có con gái lớn như thế đi thì sẽ biết. 

Với các trường nội trú, bán trú vùng dân tộc thiểu số, HS ăn ở tại trường nên việc giáo dục giới tính, nhất là cho nữ sinh dân tộc là vô cùng cần thiết. Nếu không được trang bị kiến thức về giới đầy đủ, hệ quả tất yếu khiến HS mơ hồ. Nhiều em vì kém hiểu biết, vì tò mò học theo phim ảnh nên đã làm cha, làm mẹ ở tuổi 14, 15, thậm chí tuổi 12. 

Nên chăng nhà trường cần tổ chức thông qua các hoạt động để định hướng cho HS, định hướng quan niệm lối sống lành mạnh, giáo dục sinh lý, đời sống tinh thần một cách khoa học. Đồng thời, phải đổi mới chương trình, nội dung và sử dụng có hiệu quả các phương pháp, hình thức. Về phía gia đình, phụ huynh cũng phải nhận thức được vấn đề giáo dục giới cho con cái là rất quan trọng. Một số chuyên gia chỉ rõ bố mẹ nên là tư vấn viên đầu tiên về giáo dục giới tính cho con cái, đặc biệt là người mẹ.

Hoàng Linh

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.