Ngày hội được tổ chức ngày 31/7 với chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”. Ngay sau khai mạc, các học sinh tham gia cùng hoạt động ở phòng triển lãm tranh thực tế ảo, trạm nghệ thuật - sắc màu dân gian, trạm năng lượng và trạm khám phá. Riêng học sinh các khối 6, 7, 8 còn dự thi chế tạo mô hình khoa học.
Trong phần thi lắp ráp mô hình xe ô tô đơn giản, học sinh lớp 6Q2 thực hiện thuần thục từng thao tác. Từ nguyên liệu tái chế như nắp chai, ống hút, bóng bay, bìa carton, keo dán, bút màu... học sinh đã tạo nên những chiếc ô tô mô hình đơn giản của các thương hiệu nổi tiếng.
Học sinh tham gia chế tạo, lắp ráp mô hình xe đua. |
Chia sẻ về sản phẩm “Xe đua kỳ thú” của nhóm, Trương Bảo Minh Thư, học sinh lớp 6Q2 cho biết: Chúng em sử dụng động cơ chạy bằng khí của bóng bay. Trong quá trình thực hiện lắp ráp, khi gắn ống hút vào bìa, vì keo khô nhanh quá nên phải gắn 3 lần mới hoàn thành. Kết quả xe chạy tốt và chúng em vô cùng bất ngờ, sung sướng khi sản phẩm của mình đã giành giải Nhất cuộc thi.
Học sinh trải nghiệm các mô hình sáng tạo. |
Tại khu vực Tên lửa nước, học sinh được trải nghiệm mô hình tên lửa được làm từ chai nhựa, phóng lên không trung nhờ phản lực tạo ra bởi áp suất cao được bơm nén vào bên trong một chai nhựa có chứa nước. Nhìn tên lửa bay lên không trung nhờ lực đẩy sinh ra từ áp suất bên trong, học sinh cảm nhận được giá trị của việc học lý thuyết để áp dụng vào thực tế cuộc sống.
“Việc chế tạo và trải nghiệm “Tên lửa nước” đặc biệt thu hút các em và các bạn vì vừa được vui chơi, vừa được sáng tạo, vừa thêm yêu thích môn Vật lí và gắn bó hơn với trường, lớp, thầy cô”, Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, học sinh lớp 6Q2 chia sẻ.
Học sinh trải nghiệm phòng thực tế ảo. |
Trong “phòng tranh thực tế ảo tăng cường” với màn chiếu như rạp chiếu phim thu nhỏ, các học sinh được thầy Phạm Đức Minh, giáo viên môn Tin học hướng dẫn cách trải nghiệm. Từ các bức tranh có sẵn, học sinh tô màu và chụp rồi đưa lên app trình chiếu. Tất cả các học sinh tham gia đều phấn khích khi nhìn thấy bức tranh mình vừa tô màu bỗng chốc trở nên lung linh, sống động.
Học sinh trải nghiệm văn hóa dân gian qua việc in tranh Đông Hồ. |
Theo thầy Trịnh Hùng Sơn, Hiệu trường trường THCS-THPT Lý Thái Tổ, trong những năm gần đây, xu hướng giáo dục STEM được nhiều nước, nhiều cơ sở giáo dục chú trọng. Lý do, đây là cách tiếp cận hiện đại giúp người học có kiến thức tích hợp, liên ngành, có kỹ năng làm việc, có khả năng tư duy và giải quyết vấn đề thông qua việc học gắn liền với thực hành, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo từ trải nghiệm thực tế. Nhận thức được ý nghĩa của hoạt động STEM, Ngày hội được nhà trường tổ chức với mong muốn thắp lên ngọn lửa STEM trong mỗi học sinh.