Học sinh Thủ đô chung tay xây dựng Thành phố thông minh

GD&TĐ - Hướng tới việc xây dựng Hà Nội thành Thành phố thông minh, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là bước đi đầu tiên để xây dựng đô thị thông minh. Nếu mỗi học sinh là một tình nguyện viên để đưa DVCTT đến với mọi người thì sẽ có hơn 1,1 triệu tình nguyện viên. Đó là những người trẻ trung, có năng lực, đưa DVCTT nhanh chóng đến gần hơn với mọi người.  

Học sinh Hà Nội thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến
Học sinh Hà Nội thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến

Cuộc thi hấp dẫn, lôi cuốn

Cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” tại cụm trường Thạch Thất - Quốc Oai có sự tham dự của 90 học sinh đến từ 9 trường THPT trong toàn cụm. Mỗi trường cử 1 đội thi gồm 10 em học sinh, trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức. Hệ thống câu hỏi được trình chiếu qua màn hình. Sau khi học sinh trả lời, đáp án sẽ mở ở từng câu. Ban giám khảo xử lý ngay kết quả ở từng câu cho thí sinh.

Các kiến thức không quá khó, chỉ xoay quanh các dịch vụ công được thực hiện qua Internet, ví dụ như làm giấy khai sinh, khai tử, đăng kí kết hôn. Em nghĩ, với những thao tác đơn giản, mỗi người dân có thể hoàn thành các giấy tờ thủ tục hành chính một cách thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại.

Cuộc thi bắt đầu với sự tham dự của 90 học sinh đến từ 9 đội. Các em đều hào hứng tham gia trong cả hai phần thi: Lý thuyết và Thực hành. Phần thi Lý thuyết diễn ra với hình thức Rung chuông vàng. Tất cả 45 câu hỏi được các đội thi trả lời rất nhanh cho thấy sự chuẩn bị kiến thức khá kĩ càng của các trường.

Phần thi Thực hành với yêu cầu thực hiện các thao tác trên máy tính để xin cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc cấp THPT được 9 học sinh đại diện cho 9 trường thực hiện nhanh chóng và thuần thục. Xen kẽ các phần thi là các tiết mục văn nghệ sôi nổi diễn ra trong sự thân thiện và đoàn kết.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Quốc Oai bày tỏ: Đây là cuộc thi có ý nghĩa thiết thực trong đời sống hàng ngày, giúp mỗi học sinh hiểu rõ về các dịch vụ công, từ đó có ý thức áp dụng trong thực tế, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Trước hội thi này, mỗi trường THPT trong toàn cụm đã cho học sinh toàn trường tìm hiểu về DVCTT, từ đó tuyên truyền trong gia đình và ngoài xã hội để DVCTT nhanh chóng được sử dụng rộng rãi, phục vụ tốt nhất cho mỗi người dân, góp phần giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

Xây dựng thế hệ công dân thông minh

Trong tháng 10/2018, các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai tuyên truyền sử dụng các dịch vụ công qua cuộc thi tìm hiểu kiến thức các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó, 200 trường THPT sẽ tổ chức cuộc thi cấp trường và chọn đội tham gia cuộc thi cấp cụm.

Dự kiến hết tháng 11, Sở sẽ tuyên truyền đến hơn 1,1 triệu học sinh cấp THCS, THPT về sử dụng, tiện ích của các DVCTT để các em học sinh có thể hướng dẫn bố, mẹ, người thân trong gia đình sử dụng việc đăng ký, giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh gọn, góp phần tạo môi trường làm việc, môi trường kinh doanh của Thủ đô ngày càng thông thoáng, hiệu quả.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng các DVCTT, từ năm 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức vận hành 15/49 DVCTT. Trong đó, ưu tiên các dịch vụ công liên quan đến học sinh như cấp lại bản sao văn bằng, xác minh văn bằng chứng chỉ, các thủ tục hành chính về thi THPT quốc gia.

Hà Nội hiện có hơn 1,1 triệu học sinh cấp THCS và THPT, nếu mỗi học sinh là một tình nguyện viên để đưa DVCTT đến với mọi người thì sẽ đưa DVCTT nhanh chóng đến gần với người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng Hà Nội sớm trở thành Thành phố thông minh.

Để xây dựng Hà Nội thành Thành phố thông minh, việc triển khai DVCTT chính là bước đi đầu tiên để xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, trong những năm qua, do chưa được giới thiệu, do thói quen, do hạn chế về khả năng ứng dụng CNTT... nên nhiều người chưa sử dụng DVCTT, vẫn đi đến các cơ quan để giải quyết các thủ tục theo cách truyền thống.

Chính vì vậy, cuộc thi là dịp để mỗi học sinh có những hiểu biết về DVCTT, trực tiếp tham gia DVCTT, qua đó xây dựng thế hệ công dân thông minh cho Thành phố thông minh.

Thông qua cuộc thi tại các cụm trường, Sở GD&ĐT Hà Nội hi vọng mỗi học sinh sẽ tuyên truyền, giới thiệu với mọi người về việc sử dụng, về tiện ích của DVCTT mức độ 3, 4.

Bên cạnh đó, học sinh xây dựng cho mình thói quen sử dụng DVCTT khi cần giải quyết các thủ tục hồ sơ, nhất là các dịch vụ công liên quan đến học sinh. Bằng trình độ tin học và CNTT, mỗi học sinh hỗ trợ người thân trong gia đình và người xung quanh sử dụng DVCTT khi có nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.