Học sinh THPT Hà Nội chuẩn bị đến trường: Trân quý từng tiết học trên lớp

GD&TĐ - Ngay sau khi được UBND TP và Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép học sinh THPT và học viên giáo dục nghề nghiệp – GDTX trở lại trường học trực tiếp từ ngày 6/12, các đơn vị tích cực chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn.

Phần lớn học sinh THPT tại Hà Nội đều được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 theo kế hoạch của thành phố.
Phần lớn học sinh THPT tại Hà Nội đều được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 theo kế hoạch của thành phố.

Chủ động các phương án đón học sinh

Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết: Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án để đón học sinh trở lại học trực tiếp bất cứ lúc nào. Khi nhận được tin từ thành phố, cả thầy cô và hơn 1.000 học sinh ở 28 lớp của trường đều thấy rất phấn khởi. Nhà trường chỉ học trực tiếp buổi sáng, chiều sẽ học trực tuyến. Các điều kiện về y tế như phòng cách ly, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, bồn rửa tay… được chuẩn bị đầy đủ.

Đồng thời, lên kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra khi có học sinh ho, sốt. Trường rà soát tình hình dịch bệnh ở các địa phương để kết hợp việc dạy học trực tiếp và trực tuyến. Hiện tại, 100% giáo viên của trường đều tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Hơn 95% học sinh đã tiêm mũi 1, một số trường hợp đặc biệt sẽ tiêm đợt sau.

“Nhà trường đã làm công tác tư tưởng để động viên học sinh trước ngày đến trường. Chúng tôi luôn định hướng cho các em việc học trực tiếp là điều cần thiết và may mắn. Hãy biến nó thành cơ hội hoàn thiện mình trước tập thể, thầy cô.

Các em hãy chủ động chuẩn bị điều kiện và tâm lý để đi lại an toàn, đảm bảo giữ gìn khoảng cách, phòng tránh dịch bệnh và học tập nghiêm túc. Đó chính là thể hiện lòng biết ơn tới những nỗ lực của Chính phủ, lực lượng tuyến đầu chống dịch và tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay tạo điều kiện cho các em được tiêm vắc-xin miễn phí để có cơ hội được đến trường” – thầy Nhâm nói.

Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) có 1.954 học sinh ở 46 lớp. Theo cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng nhà trường, cả thầy trò cùng phụ huynh học sinh đón đợi ngày được đến trường học trực tiếp từ rất lâu. Nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất đón học sinh.

Ngày 3/12, trường tiến hành phun khử khuẩn trường lớp, phân công 20 thầy cô đến lau dọn lớp học, sân trường, lắp thêm bồn rửa tay, chuẩn bị tốt phòng cách ly, phân công nhiệm vụ đón học sinh từ cổng, đo thân nhiệt. Ngày 5/12 sẽ họp toàn thể cơ quan tập huấn thật kỹ những tình huống có thể xảy ra để đảm bảo an toàn khi học sinh tới trường.

Công tác vệ sinh, khử khuẩn và các điều kiện phòng dịch được các nhà trường khẩn trương triển khai.
Công tác vệ sinh, khử khuẩn và các điều kiện phòng dịch được các nhà trường khẩn trương triển khai. 

Đặt yếu tố an toàn lên trên hết

Theo ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của thành phố, địa phương này sẽ ban hành kế hoạch cụ thể về việc cho phép học sinh THPT, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn huyện đi học trực tiếp từ ngày 6/12.

Ông Ưng nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh tại huyện Quốc Oai hiện vẫn đang được kiểm soát. Việc cho học sinh đi học lại phải bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch, nhất là khâu giãn cách. Các nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương trong việc rà soát học sinh thuộc vùng có cấp độ dịch nào để có phương án kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo quyền lợi cho các em. Đồng thời, chuẩn bị thật chu đáo các điều kiện đón học sinh trở lại trường, nhất là yêu cầu về phòng dịch.

Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Danh Thông – Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B cho hay: Địa bàn nơi trường đóng cũng như một số xã lân cận tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhà trường sẽ xây dựng phương án đón học sinh cụ thể; tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh để cùng phối hợp thực hiện. Hiện tại, tỉ lệ tiêm phủ mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 ở học sinh của trường đạt trên 90%. Một số em chưa đủ điều kiện tiêm sẽ được bố trí tiêm vào các đợt sau.

Ngày 2/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 4322/UBND-KGVX gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Y tế và UBND các quận/ huyện/ thị xã về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh một số khối lớp. Theo đó, thành phố thống nhất với đề xuất của Sở GD&ĐT, cho học sinh THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tại 30 quận/huyện trên địa bàn Thủ đô thuộc khu vực dịch cấp độ 1, 2 trở lại trường từ ngày 6/12.

Trên cơ sở đó, ngày 3/12, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc đón học sinh đi học lại gửi UBND các quận/ huyện/ thị xã, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX. Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu học sinh các khối 10, 11, 12 ở các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX toàn thành phố được đi học trực tiếp từ ngày 6/12; trẻ mầm non nghỉ tại nhà. Riêng học sinh khối 9 khu vực ngoại thành vẫn đi học theo kế hoạch; các khối 6, 7, 8 bậc THCS tiếp tục học trực tuyến. Tại các quận nội thành, học sinh bậc THCS vẫn học trực tuyến.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành số 3668 ngày 25/10/2021 của Sở GD&ĐT và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng chống Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức ăn bán trú, căng-tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.