Mô hình có thể phục vụ dạy học giáo dục lịch sử địa phương theo hướng trải nghiệm và góp phần quảng bá du lịch.
Giáo dục truyền thống yêu nước
Dự án “thiết kế mô hình ảo Thành cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch” do 5 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xây dựng. Trong đó, Thái Việt Ý (lớp 12 chuyên Tin) đóng vai trò trưởng nhóm, các thành viên cùng tham gia dự án là Lê Đức Lưu, Lâm Hồng Phúc, Đỗ Hoàn Gia Trí và Nguyễn Cao Minh Huyền.
Thái Việt Ý, trưởng nhóm dự án, cho biết, dự án trên lấy cảm hứng từ Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Di tích này đã ghi dấu quá trình đấu tranh anh dũng, bất khuất, sự hy sinh của hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình cho dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Việc tái hiện lại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị trên môi trường số trước hết nhằm phục vụ giáo dục gắn với yêu cầu cao về hoạt động dạy học trải nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt dạy học môn Lịch sử.
Mô hình ảo tái hiện lại di tích Thành cổ Quảng Trị trên môi trường 3D và công nghệ thực tế ảo VR, tích hợp chế độ xem toàn cảnh, bản đồ mini, định vị, thuyết minh… mang lại cho người dùng trải nghiệm đa chiều, sát với thực tế nhất mà không cần phải đặt chân đến di tích.
Thái Việt Ý cho biết thêm: Em hình thành ý tưởng xây dựng dự án từ tháng 8/2022. Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhóm học sinh đã trải nghiệm nhiều lần với Thành cổ Quảng Trị. Quá trình khảo sát thực tế giúp các em có đủ tư liệu để xây dựng lên phần mềm. Sau 7 tháng, các em mới có thể hoàn thiện dự án.
Dự án góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời, điểm khác biệt của dự án giáo dục này nhằm gửi đi thông điệp về hòa bình. Trong đó, giới trẻ cũng có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng nền hòa bình ấy.
Học sinh thử nghiệm Dự án mô hình ảo Thành cổ Quảng Trị. |
Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn di tích lịch sử
Theo nhóm học sinh, giá trị và mục tiêu sản phẩm hướng tới trước hết là về giáo dục. Khi mà các phương pháp giáo dục hiện hành cần liên tục đi theo xu hướng, thì thực tế ảo đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin trực quan và sát với thực tế nhất. Tiếp đó là giá trị về du lịch và quảng bá. Sản phẩm này giúp những người đang có ý định đến hoặc muốn biết thêm về thành cổ có thể thông qua nó để hình dung được di tích một cách bao quát nhất.
Đối tượng khách hàng quan trọng nhất của sản phẩm dịch vụ là các cơ sở giáo dục phổ thông, gồm các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trong địa bàn tỉnh và trên phạm vi toàn quốc. Khách hàng có thể lựa chọn các gói sản phẩm có giá trị 450.000 đồng gói cơ bản/năm và 680.000 đồng gói nâng cao/năm thực hiện trải nghiệm sản phẩm độc lập hoặc theo nhóm, khắc phục được trở ngại về chi phí, thời gian, khoảng cách so với việc trực tiếp tham quan di tích. Sản phẩm có tính độc quyền và giá cả cạnh tranh vượt trội.
Nhóm có đủ nguồn lực về công nghệ, con người để bảo đảm sản xuất thành công và phân phối sản phẩm với các tiêu chí khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thể hiện ở tính thuận tiện, đa giá trị, chi phí phù hợp. Thông tin về sản phẩm và cách thức mua bán được thực hiện hoàn toàn qua hình thức trực tuyến qua các trang thông tin và các sàn thương mại điện tử.
Giữ gìn truyền thống theo cách của người trẻ
Được lựa chọn tham gia Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 do Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên - Huế, Dự án “thiết kế mô hình ảo Thành cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch” đoạt giải Nhất lĩnh vực: Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính.
Ban giám khảo cuộc thi đánh giá dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục, góp phần thôi thúc thế hệ học sinh hôm nay yêu thích hơn môn Lịch sử cũng như hiểu biết sâu sắc và có trách nhiệm hơn với lịch sử của đất nước. Từ mô hình Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, các em có thể triển khai áp dụng ở các di tích khác trên phạm vi quốc gia.
Thầy giáo Hồ Văn Lâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Tin, đánh giá: “Thái Việt Ý là một học sinh có năng khiếu và đam mê với thiết kế đồ họa, cũng rất tích cực tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Dự án của nhóm học sinh vừa có tính chất, hàm lượng khoa học cao, đồng thời có tính nhân văn sâu sắc, khi hướng đến một phần người dùng là những cựu chiến binh ngày càng lớn tuổi không thể trực tiếp về thăm thành cổ, chiến trường xưa. Tin rằng, dự án sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá và phát huy giá trị di sản quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị”.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm – Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - cho biết thêm: “Bên cạnh việc học tập, học sinh của nhà trường cũng rất quan tâm đến các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật và thích nghi với quá trình chuyển đổi số. Sản phẩm mô hình ảo Thành cổ Quảng Trị của em Thái Việt Ý không chỉ thể hiện tài năng, sức sáng tạo trong quá trình bắt nhịp với thời đại số, mà còn cho thấy sự trân trọng và ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa – lịch sử bằng cách riêng của lớp trẻ ngày nay. Đó cũng chính là những điều mà thế hệ trẻ của nhà trường đang hướng tới”.