Cô Phạm Thị Hải Vân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, giữa những bộn bề, hối hả của công việc những ngày cuối năm, mọi người như được sống chậm lại một chút và thư thái hơn để hoà mình vào không gian Tết cổ truyền. Tết về khơi gợi những niềm nhớ, bao kỷ niệm nằm sâu trong tiềm thức mỗi con người.
Tết xưa trong ký ức nhiều người là một tuổi thơ êm đềm, làng xóm bình yên, mái nhà đơn sơ nhưng đong đầy hạnh phúc. Lũ trẻ thì háo hức chờ đợi Tết đến để được mặc quần áo mới, nhận bao lì xì và vui chơi thỏa thích với bạn bè hay đơn giản là được gói bánh chưng, giã bánh giầy. Tết là ngày vui của toàn dân tộc.
Đối với riêng mỗi người, Tết còn là dấu mốc thời gian chứng kiến sự trưởng thành, nhìn lại một năm đã qua thật bình thản, dành cho bản thân và gia đình những ngày nghỉ ngơi, sum vầy, đầm ấm. Tết là lúc bỏ qua những bộn bề của năm cũ, mở rộng lòng mình đón nhận những hi vọng và khí thế mới để tiếp tục hành trình công việc.
Với những ý nghĩa đó, ngày 29/1, nhà trường đã tổ chức chương trình "Vui hội xuân - Tết sum vầy 2024" gồm nhiều hoạt động như: Tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, thi rung chuông vàng, dựng các gian hàng Tết xưa, thi giã bánh giầy, tham gia các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ...
Dưới đây là một số hình ảnh tại chương trình:
Để bánh giầy được dẻo cần được giã nhuyễn và kỹ từ đôi bàn tay của các em học sinh nên ai cũng hào hứng. |
Mỗi đội thi của học sinh sẽ giã bánh giầy ngay tại sân trường. |
Các đội trưng bày những chiếc bánh giầy mình tự giã cho ban giám khảo đánh giá. |
Ngoài ra, học sinh còn tham gia các trò chơi vui nhộn khác như thi chạy giữ thăng bằng cho quả bóng hơi. |
Nhảy sạp để tái hiện văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. |
Các trò chơi đòi hỏi tính đồng đội cao. |
Học sinh tham gia thử thách với trò đan nan tre. |
Ô ăn quan là một trong những trò chơi dân gian được đưa vào các nhà trường tại Hà Nội. |
Các em tham gia vẽ tô tượng. |