Không để dịch bệnh xâm nhập trường học
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Tây Ninh, để HS trở lại trường, công tác thông tin, truyền thông được đặt lên hàng đầu. Trước tiên, cơ sở giáo dục tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh để tuyên truyền, phổ biến yêu cầu, đề nghị kết hợp với nhà trường để thực hiện nghiêm túc quy trình trước khi HS đến trường, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Cụ thể, các trường không cho người không có nhiệm vụ vào, phân công giáo viên đến trực đầu giờ để đo thân nhiệt cho HS, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên tại cổng ra vào.
Tiết 1 hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm theo dõi cập nhật thông tin HS nghỉ học và liên hệ với phụ huynh để xác minh thông tin. Trường hợp lớp có HS nghi nhiễm Covid - 19, giáo viên chủ nhiệm thông báo ngay cho lãnh đạo nhà trường.
Nhà trường theo dõi, thường xuyên nhắc nhở HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên bảo đảm giãn cách ngoài lớp học, phòng làm việc theo quy định, đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hoặc nước rửa tay sát khuẩn..
Kết thúc mỗi buổi học, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trên đường về nhà. Mỗi lớp cử 5 - 10 HS ở lại có trách nhiệm lau khử khuẩn nền nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn lan can trong khu vực lớp mình. Nhà trường duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định.
Lớp trực tuần lau khử khuẩn tay vịn cầu thang, các khu vực công cộng; Kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
Khi học trực tiếp tại trường, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa HS với nhau đến lúc ra về. Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, kịch bản xử lý tình huống nếu có trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid- 19 trong trường học thì xử trí đúng quy định...
Cơ sở giáo dục theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS khi ở nhà (thông qua khai báo y tế), khi đến trường; nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học...
Còn hơn 1.500 giáo viên chưa tiêm vắc xin
Tại thời điểm này, thống kê cho thấy, toàn tỉnh Tây Ninh còn 5 giáo viên và 115 HS F0, 56 giáo viên và 139 HS F1. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên được tiêm vaccine mũi 1 là 13.619/15.153, (giáo viên đã được tiêm 1 mũi và 2 mũi chiếm 89,9%), số người chưa tiêm là 1.534/15.153 (10,1%).
Để bảo đảm an toàn khi đưa HS trở lại trường học trực tiếp phải tổ chức tiêm ngừa cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trước mắt tổ chức tiêm mũi 1 cho giáo viên chưa tiêm, sau đó tiêm tiếp mũi 2 cho số cán bộ quản lý và giáo viên đã tiêm mũi 1.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 ở các địa phương đã trưng dụng 72 trường học làm bệnh viên dã chiến, khu cách ly.
Ngành Giáo dục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị hiện có, có phương án sửa chữa, bổ sung đủ các trang thiết bị phòng, chống dịch; phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương trong việc vệ sinh, sát khuẩn đối với các trường học được Ban Chỉ đạo giao lại sau khi sử dụng làm khu cách ly.
Đối với trường học có tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú, tổ chức hướng dẫn về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 tại các bếp ăn trong trường học.
Dự kiến cho HS trở lại trường học từ này 11/10
Do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Sở GD&ĐT Tây Ninh xin ý kiến UBND tỉnh cho HS trở lại trường, thời gian dự kiến vào ngày 11/10. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch chi tiết để đón HS trở lại trường và tổ chức dạy học theo nhiệm vụ kế hoạch năm học và tập trung các nội dung trọng tâm.
Cụ thể, các tổ, nhóm chuyên môn thống nhất ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã dạy trực tuyến và dạy kiến thức mới theo kế hoạch giáo dục của nhà trường ngay khi trở lại học tại trường. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nắm vững tình hình học tập của HS để có biện pháp hỗ trợ.
Quan tâm tổ chức dạy học cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lớp cuối cấp bảo đảm kiến thức để tham gia kỳ thi trong năm học 2021-2022. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tập trung củng cố kiến thức cho HS có học lực yếu, hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập, góp phần nâng cao chất lượng học tập cho HS.
Trong trường hợp diễn biến dịch thay đổi theo thực tế từng địa phương, thủ trưởng đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền chủ động linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp từng trường.
Khi đó, kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên HS các lớp cuối cấp, nhà trường phải thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch để chia ca, giãn việc đến trường giữa các khối lớp phù hợp, sắp xếp, lựa chọn, cơ cấu các môn học một cách hợp lý...