Học sinh phổ thông Việt Nam khẳng định sự tiến bộ vượt bậc qua kỳ thi PISA

Học sinh phổ thông Việt Nam khẳng định sự tiến bộ vượt bậc qua kỳ thi PISA
Học sinh ham mê nghiên cứu các môn khoa học thông qua các giờ thực hành tại trường
SV ham mê nghiên cứu các môn khoa học thông qua các giờ thực hành tại trường

(GD&TĐ) - Đúng 17 giờ giờ Hà Nội ngày 3/12/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) đã chính thức công bố kết quả kỳ thi khảo sát đánh giá PISA 2012. Theo kết quả này, các quốc gia châu Á đã vươn lên trong bảng xếp hạng chung.

Mặc dù được xếp vào nhóm nước kinh tế thấp trong các nước tham gia kỳ thi PISA (gồm 65 quốc gia và vùng lãnh thổ), song với điểm số vượt trội, vị trí của Việt Nam luôn đứng ở tốp 10 và tốp 20 trên bảng tổng sắp. Kết quả này cho thấy sự tiến bộ không ngừng của học sinh phổ thông Việt Nam được đánh giá thông qua các kỹ năng và kiến thức thực tế mà OECD thực hiện.    

Chìa khóa thành công

Kết quả khảo sát đánh giá PISA 2012 cho thấy một số nguyên nhân thành công. Những quốc gia có kết quả cao nhất, chủ yếu là tại châu Á, coi trọng đặc biệt tới tuyển chọn và đào tạo giáo viên, khuyến khích họ làm việc theo nhóm và ưu tiên đầu tư cho chất lượng giáo viên, chứ không quá chú trọng giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp học.

Các nước này cũng đặt mục tiêu rõ ràng và trao cho giáo viên quyền chủ động trong giờ dạy của họ. Khảo sát cũng cho thấy những trẻ em có cha mẹ kì vọng lớn vào con cái có kết quả tốt hơn: Những trẻ này có xu hướng nỗ lực hơn, tự tin hơn và có động cơ học tập lớn hơn.

OECD đánh giá rằng việc trao cho trẻ học lực kém hơn cơ hội là điều tối quan trọng cho tương lai. 23% học sinh tại các nước OECD, và 32% trong tổng số học sinh có mặt trong khảo sát không thể giải những bài toán đơn giản nhất. Thiếu kĩ năng cơ bản, trẻ gần như đối mặt với nguy cơ bỏ học và tương lai mờ mịt.

Một số quốc gia thành công trong  việc giúp trẻ học kém gồm có: Colombia, Phần Lan, Ailen, Đức, Mexico và Balan. Các quốc gia này có cơ chế phát hiện và hỗ trợ học sinh bị tụt hậu. Kết quả điểm PISA của nhóm quốc gia này tăng lên.

Vẫn tồn tại khoảng cách giới

Học sinh thực hành thí nghiệm trong các trường phổ thông Việt Nam

Học sinh nam học Toán tốt hơn nữ. Nhóm nam ghi điểm cao hơn tại 37 trong 65 quốc gia và nền kinh tế, trong khi nữ vượt trội hơn nam tại 5 quốc gia. Khoảng cách điểm số giữa 2 giới tương đối nhỏ. Chỉ 6 quốc gia là nam sinh vượt hơn nữ mức tương đương nửa năm học chính thức.

Khoảng cách giới rõ rệt hơn đối với nhóm học sinh giỏi, học sinh kém và gần như tương đương ở nhóm trung bình. Nữ sinh có ít động cơ học Toán và thiếu tự tin hơn nam về môn học này.

Trong giai đoạn 2000 - 2012, khoảng cách giới về kĩ năng đọc nghiêng trội hơn về nữ - rõ rệt tại 11 quốc gia và nền kinh tế. Nam và nữ tương đương nhau về điểm số khoa học.

Hiệu quả từ phân phối nguồn lực bình đẳng cho trường học

Các hệ thống giáo dục có kết quả cao có xu hướng phân phối nguồn lực tương đối bình đẳng giữa trường học khu vực thuận lợi với khu vực kém phát triển hơn.

Tỉ lệ giáo viên/ học sinh đã được cải thiện từ giữa 2003 đến 2012 tại tất cả các quốc gia và khu vực khảo sát ngoại trừ một trường hợp. Môi trường kỉ luật cũng được cải thiện trong giai đoạn này. Quan hệ giữa giáo viên – học sinh tốt hơn có liên quan lớn đến sự gắn kết chặt hơn của học sinh với nhà trường.

Sự chia sẻ học sinh nhập cư tại các quốc gia OECD tăng từ 9% năm 2003 lên 12% năm 2012. Tuy nhiên trong giai đoạn này, điểm số của học sinh nhập cư hoàn cảnh khó khăn so với học sinh không thuộc diện nhập cư thu hẹp còn 11 điểm, tương đương 3 tháng học.

Niềm tự hào mang tên Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới, mặc dù Việt Nam được xếp vào nhóm nước kinh tế thấp trong các nước tham gia kỳ thi khảo sát đánh giá PISA, tuy nhiên, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ được công bố kết quả, điểm số của học sinh Việt Nam đạt được ở thứ hạng cao, thậm chí vượt trội so với các quốc gia phát triển ở nhiều khu vực trên thế giới. 

Lĩnh vực Toán học là lĩnh vực trọng tâm của kỳ thi PISA 2012, Việt Nam đứng thứ 17/65. Trong khi điểm trung bình (Mean Score) là 494 thì học sinh Việt Nam đạt 511. Điểm này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển được OECD khảo sát như: Áo, Úc, Đan Mạch,  Pháp, Anh, Luxembourg, Na Uy,  Mỹ, Thụy Điển, Hungary, Israel, Hy lạp....

Đáng chú ý là các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đứng ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng. Cụ thể  Indonesia đứng thứ hai từ dưới lên, Thái Lan đứng thứ 16 từ dưới lên.

Đối với kỹ năng Đọc hiểu, Việt Nam đứng thứ 19/65, điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508, vẫn cao hơn các nước phát triển OECD liệt kê trên trừ Úc.

Đặc biệt, trong lĩnh vực Khoa học, học sinh của chúng ta đã thể hiện niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, kết quả về mặt điểm số đã minh chứng cho sự tiến bộ không ngừng của học sinh Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng của OECD thì Việt Nam đứng thứ 8/65. Điểm trung bình là 501 thì Việt Nam đạt 528. Việt Nam chỉ đứng sau các nước và vùng lãnh thổ theo thứ tự là: Thượng Hải (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Phần Lan, Estonia, Hàn Quốc.

Kết quả dựa trên đánh giá, khảo sát độc lập của một tổ chức uy tín thế giới như OECD đã phần nào cho thấy những tiến bộ đáng mừng trong các kỹ năng học tập của học sinh Việt Nam nói riêng và sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung. Một lần nữa, học sinh Việt Nam lại khẳng định mình trước bạn bè trên toàn thế giới, đặc biệt với học sinh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá là tiên tiến.

PISA là kì thi khảo sát đánh giá kiến thức và kĩ năng của học sinh lứa tuổi 15 trên thế giới. Kì khảo sát PISA 2012 của OECD đánh giá hơn 510.000 học sinh tại 65 quốc gia và nền kinh tế về các kĩ năng toán, đọc và khoa học. 

PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá HS quốc tế do OECD (Organization for Economic Cooperation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới) khởi xướng từ năm 2000, hiện đã có hơn 60 nước (chủ yếu là các nước phát triển) và các nền kinh tế tham gia.

Kết quả khảo sát PISA giúp các nhà hoạch định giáo dục trên thế giới biết được “vị trí” kiến thức và kĩ năng của học sinh quốc gia mình so với các quốc gia khác, qua đó học hỏi chính sách và ứng dụng cách làm của những nền giáo dục thành công.

  Minh Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ