Tận dụng tối đa thời gian để học
Theo chia sẻ của nữ sinh Hoàng Thị Tuyết Nhung, học sinh lớp 12 A2, Trường THPT Cao Lộc (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn): “Hiện này, nhà trường đang tập trung cao độ để ôn luyện cho học sinh lớp 12 chúng em. Ngoài những tổ hợp xét tuyển chúng em đăng ký học, những ai đang yếu ở các môn thi tốt nghiệp nhà trường cũng tổ chức lớp để bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho học sinh”.
Được biết, Tuyết Nhung xét tuyển tổ hợp B00, vì vậy ngoài thời gian học tập ở trường, nữ sinh sẽ dành mỗi tối 4 đến 5 tiếng để ôn lại bài vở, kiến thức học ở lớp.
“Hiện tại chúng em đang chuẩn bị bước vào kỳ thi thử để đánh giá năng lực, do đó mỗi ngày em cũng dành khá nhiều thời gian để luyện đề, làm quen với các đề thi, cách phân bố thời gian làm bài để làm sao được kết quả tốt nhất”, Tuyết Nhung chia sẻ.
Cô nữ sinh cũng cho biết thêm, dự kiến cuối tháng 3 Tuyết Nhung sẽ hoàn thành chương trình, tập trung ba tháng còn lại để luyện đề cũng như gia cố những phần kiến thức cho chắc. “Vì em khá chủ động với kế hoạch đề ra, do vậy hiện tại tâm lý em khá thoải mái, không bị áp lực”, Tuyết Nhung nói.
Cũng giống như Tuyết Nhung, nữ sinh Lê Huyền Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Đức A (TP. Hà Nội) nói: “Em đã bắt đầu luyện đề được gần 1 tháng nay rồi, do có nhiều phần kiến thức chưa học đến khi làm đề em sẽ đánh dấu lại”.
Để kịp hoàn thành chương trình học cuối tháng ba, Huyền Trang cũng dành khá nhiều thời gian ôn luyện ở nhà. “Ngoài bám sát kiến thức sách giáo khoa, bài giảng của thầy cô, em còn tìm một số bài giảng trực tuyến để học tham khảo nhằm đẩy nhanh tiến độ cũng như nghe lại các phần kiến thức mình nắm chưa chắc”. Huyền Trang nói.
Học sinh lớp 12 ở Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên. |
Bám sát đề tham khảo để ôn tập
Theo em Dương Thị Minh Thu, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đăng Ninh (TP. Hà Nội): “Sau khi nghiên cứu đề thi tham khảo bộ đưa ra, bản thân em đã phát hiện rất nhiều điểm yếu của mình như chưa biết cân bằng thời gian, nhiều phần kiến thức nắm chưa chắc, còn để mất điểm ở những câu đơn giản. Qua đề thi tham khảo, em sẽ điều chỉnh lại phương pháp học, tập trung vào phần vận dụng cao để rèn luyện, cố giành số điểm tối đa”.
Minh Thu cho biết thêm, đề tham khảo có tính phân loại học sinh, bám sát chương trình học tuy nhiên đối với các phần vận dụng cao yêu cầu người học phải nắm chắc kiến thức nền, tư duy và phương pháp giải để giải.
Được biết, mỗi ngày Minh Thu học ở trường 8 tiếng, 4 đến 5 tiếng sẽ dành thời gian tự học ở nhà.
Hiện đã học xong chương trình, nữ sinh Nguyễn Mai Linh – Trường THPT phú Xuyên A (TP. Hà Nội) bắt tay vào luyện đề. Mai Linh chia sẻ: “Quá trình làm đề giúp cho em ôn kiến thức cơ bản, khắc phục lỗi sai không đáng có, từ đó xâu chuỗi được hệ thống kiến thức cho mình”.
“Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra sớm hơn 2 tuần so với năm ngoái em thấy khá hợp lý. Đến thời điểm này, chúng em đã gần xong chương trình, ba tháng để ôn lại là khá nhiều, nên thi sớm sẽ giảm áp lực cho chúng em”, Mai Linh bày tỏ.
“Sau khi làm thử đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT công bố ngày 1/3, với sức học hiện tại tổ hợp D0 em làm mỗi môn được 7 điểm. Riêng môn Tiếng Anh, em rút ra cho bản thân thời gian này cần ưu tiên đầu tư học từ vựng, luyện đề để biết dạng và phát hiện điểm yếu của mình trong quá trình làm để không đánh mất điểm”, Lê Huyền Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Đức A (TP. Hà Nội) chia sẻ.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%.
Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.