Học sinh Lai Châu dừng đến trường không dừng học

GD&TĐ - Tạm thời cho học sinh trên địa bàn nghỉ học tập trung, ngành GD-ĐT TP Lai Châu đã chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến với nhiều giải pháp linh hoạt, khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu năm học.

Trên 12 nghìn học sinh Lai Châu nghỉ học tập trung do dịch Covid-19.
Trên 12 nghìn học sinh Lai Châu nghỉ học tập trung do dịch Covid-19.

Không để học sinh dừng học

Năm học 2021-2022, TP Lai Châu có 30 trường, 410 lớp với trên 12 nghìn học sinh. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT TP Lai Châu, đến sáng ngày 8/11, có 12/17 trường tiểu học và THCS có đủ điều kiện và đã dạy học trực tuyến qua phần mềm như: Zoom, Google Meet và Za Vi.

Bà Đặng Thị Nhài, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Lai Châu cho biết: “Ngay ngày 7/11, chúng tôi đã họp trực tuyến BGH các đơn vị trường, nắm bắt thuận lợi, khó khăn, thống nhất giải pháp triển khai đảm bảo đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng tổ chức dạy học cho học sinh”.

Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, phương án dạy học phù hợp với đối tượng, điều kiện của người học, phù hợp với địa bàn và thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 với phương châm "học sinh tạm dừng đến trường, không dừng học". Phương án này đã được các nhà trường xây dựng ngay từ đầu năm học.

Bên cạnh đó, chỉ đạo nhà trường triển khai cho tổ chuyên môn, giáo viên thảo luận thống nhất đề xuất kế hoạch dạy học: hình thức, nội dung môn học, lịch dạy và học trực tuyến, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà… của từng nhóm, lớp, bộ môn để nhà trường phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường.

Thông báo rõ đường link, thời khóa biểu, xây dựng và phổ biến nội quy tới toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh được biết và phối hợp thực hiện. Có hình thức quản lý và nghiệm thu kết quả tự học của học sinh, đảm bảo tiết học diễn ra an toàn, chất lượng.

Học sinh trường Tiểu học số 1 TP Lai Châu học trực tuyến.
Học sinh trường Tiểu học số 1 TP Lai Châu học trực tuyến.

“Đối với 86% trường, lớp, học sinh có đủ điều kiện, chúng tôi tổ chức dạy học trực tuyến. Riêng cấp mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, phòng đã chỉ đạo các trường giao giáo viên chủ động xây dựng video hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian ở nhà”, cô Nhài cho biết thêm.

Năm học 2021-2022, Trường THCS Tân Phong có 20 lớp, với 859 học sinh. Được biết, nhà trường chỉ có 5 học sinh không đủ phương tiện để học trực tuyến. Sau khi có chỉ đạo chuyển đổi trạng thái sang dạy và học trực tuyến, từ sáng ngày 8/11, nhà trường đã sẵn sàng phương án dạy học qua phần mềm Google Meet. Đồng thời, phân lịch dạy học cụ thể đối với từng khối lớp và từng môn.

Cô Dương Thị Thùy Linh, giáo viên lĩnh vực khoa học tự nhiên, Trường THCS Tân Phong cho biết: Đây là năm thứ 3 dạy học trực tuyến nên bản thân tôi và các giáo viên trong nhà trường đều thành thạo các khâu thiết kế bài giảng đến phương pháp dạy cho học sinh, giao, chấm, chữa bài trên phầm mềm Azota.

 “Đối với khối 6, 7 chúng tôi sẽ tổ chức học trực tuyến vào buổi sáng. Còn khối 8, 9 học vào buổi chiều, để đảm bảo không bị nghẽn mạng. Đồng thời, tạo điều kiện để thầy cô hỗ trợ công nghệ lẫn nhau”, cô Bùi Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Còn đó những khó khăn...

Mặc dù là địa phương thuận lợi nhất của tỉnh Lai Châu khi tỷ lệ học sinh có điều kiện học trực tuyến tương đối cao, nhưng ngành GD-ĐT cũng gặp phải một số khó khăn khi chuyển trạng thái dạy học trực tuyến.

Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Lai Châu, khó khăn khi triển khai học trực tuyến của địa phương là đường truyền mạng có thời điểm không ổn định; kỹ năng, thao tác sử dụng thiết bị của học sinh chưa đồng đều, đặc biệt là học sinh tiểu học.

Cùng với đó, việc tổ chức các hoạt động dạy học tích cực, kỹ thuật dạy học, sự tương tác giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau bị hạn chế. Điều kiện của các gia đình có 2 đến 3 học sinh học ở các cấp khác nhau không đủ phương tiện để học cùng lúc. Học sinh tiểu học cần sự kèm cặp của bố mẹ để tham gia học tập trực tuyến…

Học sinh bậc tiểu học cần sự giúp đỡ của phụ huynh khi học trực tuyến.
Học sinh bậc tiểu học cần sự giúp đỡ của phụ huynh khi học trực tuyến.

“Đối với khó khăn học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án, cách thức giao bài, hướng dẫn học sinh tự học, quy định rõ thời gian hoàn thành các nội dung học tập, có hình thức linh hoạt để tổ chức kiểm tra đánh giá hiệu quả việc tự học của học sinh. Cùng với đó, hướng dẫn học sinh tự học trên truyền hình, hướng dẫn học sinh học tập qua hệ thống loa truyền thanh không dây vào các khung giờ cố định trong ngày.

Còn về thời gian, điều kiện thiết bị, đường truyền, chúng tôi chỉ đạo dạy buổi sáng và buổi chiều đối với học sinh THCS. Còn học sinh tiểu học sẽ học vào buổi tối”, cô Nhài cho biết thêm.

Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh học qua truyền hình phát sóng trên kênh VTC11, VTC8, ứng dụng di động VTC Now, một số hạ tầng truyền hình Internet có tiếp sóng (MyTV, Viettel TV, truyền hình FPT...) và Chương trình “Lớp học không khoảng cách” của Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Là 1 trong 5 trường không thực hiện dạy học trực tuyến, trường THCS Quyết Thắng đã chủ động hướng dẫn học sinh tự học tập tại nhà. Thầy Lê Thế Hoài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn thầy cô giáo biên tập nội dung về hướng dẫn ôn tập thông qua các phiếu học tập cho học sinh. Linh hoạt trong việc hàng tuần nhận, chữa bài cho các em”.

“Nếu tình hình dịch vẫn diễn biễn phức tạp kéo dài, ngành GD-ĐT thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lựa chọn nội dung cốt lõi thực hiện dạy học trực tuyến đối với đơn vị đủ điều kiện và giao bài hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Cùng với đó, tăng cường các phương tiện truyền thông hỗ trợ hoạt động dạy và học của các nhà trường”, cô Nhài chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.