Theo đó, nhằm xem xét tính khả thi để hoàn thiện Tài liệu trước khi thẩm định và đưa vào thực tiễn, Sở GD&ĐT đã tổ chức dạy học thực nghiệm tài liệu “Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2”. Tại đây có nhiều giáo viên theo dõi, từ đó đưa ra ý kiến đóng góp để hoàn thiện tài liệu.
Bên cạnh đó, thông qua buổi dạy thực nghiệm, Sở GD&ĐT cùng thầy cô giáo đánh giá hiệu quả mang lại, khả năng học sinh vùng thuận lợi và khó khăn tiếp nhận tài liệu. Từ đó có những thay đổi phù hợp với học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Em Hoàng Phương Trúc (lớp 2A7, Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum) cho biết, trong buổi thực nghiệm tài liệu GDĐP em được học bài “Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum”.
“Trong buổi học em cùng các bạn được biết đến nhiều nét văn hoá truyền thống của dân tộc tại Kon Tum. Em rất vui và thích thú khi được tìm hiểu những kiến thức mới về văn hoá của dân tộc Việt Nam.”, em Trúc chia sẻ.
Tương tự, em Nguyễn Kỳ Nam (lớp 2D, trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ) tâm sự, thông qua bài học em được biết đến “Lễ hội mừng lúa mới". Qua đó, em biết được những hoạt động, nét văn hoá, ẩm thực… có trong lễ hội.
“Sau khi nghe cô giảng và xem hình ảnh, video em rất thích lễ hội. Em hy vọng thời gian tới sẽ được tham gia, trải nghiệm lễ hội cùng người dân.”, em Nam nói.
Cô Huỳnh Thị Thu Vân – Trưởng phòng Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, nhằm xem xét tính khả thi để hoàn thiện Tài liệu trước khi thẩm định và đưa vào thực tiễn đơn vị đã tổ chức dạy thực nghiệm ở một số trường thuộc vùng thuận lợi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo cô Vân, trong buổi dạy thực nghiệm, giáo viên sẽ linh hoạt thay đổi cách giảng dạy để phù hợp với học sinh từng vùng. Sau buổi dạy thực nghiệm, các giáo viên tham gia sẽ đóng góp ý kiến trước khi thẩm định và đưa vào thực tiễn. Từ đó, đơn vị sẽ có những điều chỉnh, phù hợp với học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.