(GD&TĐ) - Gần đây dư luận (nhất là giới học sinh) đang xôn xao bàn luận về đề văn mở trong kì thi học kỳ II, khối 11 của Trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Đây không phải là lần đầu tiên trường này ra đề văn mở và thu hút được sự đồng tình của cả phụ huynh và học sinh nhà trường mà còn nhận được sự hưởng ứng của xã hội. Cách ra đề kiểu này đã cho ra đời những bài văn chạm tới trái tim của người đọc. Vậy nhưng vẫn còn không ít những ý kiến trái chiều.
Sức lan tỏa của đề văn mở
Đợt thi học kỳ II của học sinh khối 11 Trường THPT Hà Nội Amsterdam vừa qua, trong đề thi văn với câu hỏi nghị luận (3 điểm): “Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời… Đó là lời trong một bài hát nổi tiếng của John Lennon, thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Bằng một bài văn nghị luận khoảng 400 từ, anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong câu hát ấy”.
Đây là một đề văn mở khá đặc biệt bởi đó là một trong những lời của bài hát "Instant Karma" của John Lennon một trong những thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles không phải học sinh nào cũng biết đến. Thế nhưng đề thi hay ở chỗ giáo viên đã đưa câu nghị luận xã hội đó ra và yêu cầu học sinh “bày tỏ suy nghĩ”, “trình bày quan điểm” cho nên nếu có học sinh nào chưa biết đến bài hát vẫn có thể làm được bài. Chữ "bày tỏ" gợi ý cho học sinh làm bài thoải mái trong cách suy luận, bày tỏ quan điểm bản thân về những điều mình cảm nhận, sáng tạo nghệ thuật văn chương. Với dạng đề này, chắc chắn học sinh sẽ không cảm thấy gò bó và khó khăn trong việc hoàn thành bài thi này với dung lượng 400 từ.
|
|
Đề văn này đã được một bạn học sinh lớp 11 Trường THPT Hà Nội Amsterdam đưa lên mạng Internet, chỉ sau vài giờ xuất hiện, đề văn này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được rất nhiều ý kiến của các bạn trẻ bày tỏ sự yêu thích. Nhiều bạn đã tỏ ra thích thú và khen ngợi cách ra đề sáng tạo của các thầy cô Trường THPT Hà Nội – Amsterdam.
Trước đó, bài văn “Nghĩ về đồng tiền” của học sinh Nguyễn Trung Hiếu của trường cũng đã gây xúc động mạnh cho bạn đọc cũng xuất phát từ một đề văn mở của cô giáo Đặng Thị Nguyệt Anh. Cô Nguyệt Anh là một trong những giáo viên văn của trường THPT Hà Nội Amsterdam có cách ra đề mở hay, hấp dẫn và thúc đẩy được sự sáng tác trong suy nghĩ của học trò khi học môn văn.
Ví dụ một số đề văn mở của cô:
“Do một lỗi lầm nào đó, em bị phạt phải biến thành một con chuột (hoặc vẹt, gián, chó sói...) trong 3 ngày. Trong khoảng thời gian đó, em đã trải qua những sự việc nào, rút ra bài học gì? Vì sao em mong chóng được trở lại làm người?”... Hay các đề mở rất ngắn như: Hãy viết bài văn nghị luận về chủ đề liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội: “Hoa hậu có cần tốt nghiệp trung học phổ thông?”, “Bàn về đồng phục học đường”, “Tại sao không?”, “Phải chăng tôi đã sai?”…
Vẫn còn ý kiến trái chiều
Từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành GD&ĐT khuyến khích giáo viên ra đề theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Thế nhưng đề mở như thế nào cho vừa sức học sinh và học sinh không bị rơi vào tình trạng sáng tạo một cách lan man, kể lể không theo một logic.
Đã có những đề văn mở trong các kỳ thi quốc gia những năm qua như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng gây tranh cãi. Ví dụ: Đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 khối D yêu cầu học sinh bàn luận: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa”, bên cạnh những ý kiến khen ngợi thì cũng không ít những ý kiến cho rằng đề thi kiểu như vậy dễ làm cho học sinh sa và tình trạng phóng bút kể lể, lan man...
Hay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 câu hỏi mở trình bày ý kiến về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Nhiều người cho rằng đề văn mở này rất hay các em tha hồ nói về những mặt trái xảy ra xung quanh mình mà các em chưa có cơ hội được nói. Nhưng cũng không người cho rằng chính câu hỏi mở này lại vô tình làm cho các em nói dối vì có thể các em dựng lên một nhân vật nào đó để làm dẫn chứng cho bài văn của mình. Hoặc có ý kiến cho rằng sự dối trá ngay trong thi cử đã và đang xảy ra, câu hỏi mở này rất nhạy cảm, không nên đưa ra với học sinh.
Cô Mai Thị Huệ - Giáo viên Trường THPT Lý Nhân - Hà Nam cho rằng: “Từ khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành GD&ĐT luôn khuyến khích giáo viên ra đề theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Đó là một điều nên làm, tuy nhiên không phải đưa ra bất cứ đề văn mở nào cũng phù hợp. Vì vậy trước khi ra một đề văn mở trước hết những thầy cô trực tiếp ra đề phải hết sức thận trọng sau đó là tổ chuyên môn và hội đồng ra đề thi cần phải xét duyệt một cách kỹ lưỡng. Cố gắng làm sao tránh được tình trạng đề mở quá sức học sinh hay đề mở mang tính nhạy cảm xã hội quá".
Cô Vũ Thị Kim Phượng - giáo viên văn trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều - Gia Lâm - Hà Nội cũng có ý kiến: "Không thể phủ nhận có những đề văn mở đã giúp cho học sinh thể hiện được sự sáng tạo, bày tỏ quan điểm của mình. Chính những bài văn như thế đã chạm tới trái tim của người đọc. Ví dụ như: Bài văn về đồng tiền, một em học sinh Trường THPT Hà Nội Amsterdam đã gây xúc động mạnh cho bạn đọc cũng xuất phát từ một đề văn mở. Hướng ra những đề văn mở là rất hay, tuy nhiên theo tôi nghĩ nên ra những đề văn vừa sức, gần gũi, phù hợp với lứa tuổi và suy nghĩ của các em".
“Mở” như thế nào là vừa sức học sinh?
Những năm vừa qua ngành giáo dục đẩy mạnh đổi mới thi cử, mà một trong những nội dung là đổi mới cách ra đề, rõ rệt nhất là đối với đề văn. Tuy nhiên, những đề văn mở gây được tiếng vang như trên không nhiều. Bởi một thực tế cho thấy môn Ngữ văn hiện nay ngày càng trở nên mờ nhạt trong tâm thức học sinh. Đa số học sinh trung học phổ thông không có hứng thú với những giờ học văn trong nhà trường và xác định chỉ cần học để đủ thi tốt nghiệp.
Theo nhà giáo ưu tú Hồ Quang Diệu – Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn Trường THPT Đông Đô cho biết thực trạng của học sinh với môn Ngữ văn hiện nay: “Đặc thù của bài văn khác với bài làm các môn khoa học khác là đòi hỏi không chỉ ý phong phú, trúng vấn đề mà còn phải viết cẩn thận, sạch đẹp, không sai chính tả, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu; phải tổ chức sắp xếp ý trong một kết cấu chặt chẽ. Phải có văn phong phù hợp từng thể loại, kiểu, dạng bài... Thế nhưng, vẫn còn không ít học sinh không biết dùng từ, đặt câu sai; chữ viết nguệch ngoạc, mất nét, sai dấu, sai cả phụ âm, viết hoa tùy tiện; không nắm được kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, nhầm lẫn nhà văn này với nhà văn nọ, tác phẩm này với tác phẩm kia… Tóm lại một bộ phận các em học sinh không hiểu, không nhớ, không biết nói và viết văn như thế nào cho đúng. Do đó kết quả học tập bộ môn Ngữ văn rất kém, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập các bộ môn khoa học khác và tác hại lâu dài tới sự hoàn thiện nền văn hoá của thế hệ mới”.
Nhà giáo ưu tú Hồ Quang Diệu cho rằng: “Cần khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ. Dạy học làm văn trong nhà trường càng phải như thế”. Thế nhưng, dù mới mẻ, khác lạ, mở đến đâu vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ”.
Thực trạng đáng buồn này rất cần việc đổi mới phương pháp tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn Ngữ văn. Tìm ra hướng đi mở cho giờ dạy - học và thi, kiểm tra đánh giá chất lượng môn Ngữ văn trong nhà trường trung học phổ thông là hết sức cần thiết cẩn được khuyến khích. Tuy nhiên trong quá trình học và thi cử nên sát thực hơn nữa, tránh tình trạng ra đề mở để học sinh thể hiện quan điểm, ý nghĩ… một chiều, cứng nhắc, răm rắp theo một công thức định sẵn. Dạy – học môn ngữ văn làm sao phải trở thành môi trường mở để thầy và trò tự do trao đổi và sáng tạo.
Nhà giáo ưu tú Hồ Quang Diệu cho rằng: “Cần khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ. Dạy học làm văn trong nhà trường càng phải như thế”. Thế nhưng, dù mới mẻ, khác lạ, mở đến đâu vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ”. |
Hiền Anh