Học sinh hạnh phúc, sáng tạo trong môi trường học đường xanh

GD&TĐ - Cùng với các hoạt động chuyên môn, những năm qua, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chú trọng đầu tư, xây dựng cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp.

Cô Vũ Thị Thanh Xuân - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An cùng học trò.
Cô Vũ Thị Thanh Xuân - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An cùng học trò.

Thay đổi để học trò hạnh phúc hơn

Cô Vũ Hoài Nhi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai B (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Để trường học thực sự là “nơi ước đến, chốn mong về” thì không gian, cảnh quan trường học có vai trò rất quan trọng, nó thể hiện một phần nền nếp của nhà trường, tạo cảm xúc và thu hút sự sáng tạo của học sinh.

Có một cảnh quan đẹp, không gian để học sinh trải nghiệm sáng tạo là trăn trở của các thầy cô từ nhiều năm nay, bởi làm việc này rất khó, xung quanh trường có nhiều ô đất góc cạnh, ẩm thấp cùng những bức tường lâu năm rêu mốc rất khó cải tạo. Trong bối cảnh tài chính của nhà trường còn khó khăn, cần có những sáng tạo để thực hiện việc này.

Bắt đầu từ việc nghiên cứu kĩ nội dung môn học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường, cô Nhi đã nảy ra ý tưởng cải tiến các ô đất ẩm thấp thành khu đồi cỏ xanh, với cây ăn quả và hoa, biến bức tường rêu mốc thành khu vườn treo vẽ hình biển đảo, tàu thuyền, là nơi để học sinh trải nghiệm sau những giờ học...

Đưa ra ý tưởng trong Chi bộ, Hội đồng Sư phạm, cô Nhi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể giáo viên trong trường cùng sự ủng hộ của đông đảo cha mẹ học sinh. Đó là những góp ý của các tổ chuyên môn về việc tìm kiếm vật liệu để làm tranh, ý kiến của phụ huynh về việc sử dụng sơn loại nào để bức tranh thêm bền...

Với sự chung tay của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, các khoảng đất được dọn dẹp sạch sẽ, cao ráo, bức tường ẩm thấp trở thành một bức bích họa đa sắc màu. Những thanh sắt bỏ đi đã trở thành hàng rào treo với nhiều kiểu dáng, màu sắc đẹp mắt, các chậu nhựa được thu gom về cọ rửa sạch sẽ thành những chậu cảnh, tạo không gian xanh cho khu vườn.

Giờ đây, khi đến trường, học sinh được vui chơi trong không gian xanh - sạch - đẹp. Trong giờ mỹ thuật, các con được thỏa sức sáng tạo khi được vẽ những con tàu đánh cá, những chú bộ đội. Bức tranh về biển đã chắp cánh cho những áng văn hay, là cảm xúc cho những giờ học tiếng Anh, nguồn tư liệu sống động để các em khám phá trong các giờ học Địa lý.

Chị Nguyễn Thị Hằng - Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Minh Khai B cho biết: Từ ngày có khu vui chơi, học sinh trong trường hứng thú hơn khi được đến trường, các con có thêm không gian trải nghiệm, đọc sách, lấy lại niềm vui sau những giờ học. Để có được điều này là nhờ sự tâm huyết của các thầy cô giáo, những người hết lòng vì học sinh.

Cô Xuân cùng học sinh bên “Vườn rau em chăm”.
Cô Xuân cùng học sinh bên “Vườn rau em chăm”.

Mô hình trường học xanh

Không chỉ là một giáo viên giỏi nghề, cô Vũ Thị Thanh Xuân - giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ) còn biết đến với những ý tưởng giúp học sinh nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình “Trường học xanh, lớp học xanh” giúp học sinh có thêm nhiều không gian trải nghiệm.

Theo cô Xuân, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội. Môi trường thật sự lên tiếng kêu cứu và cần ý thức chung tay, giúp sức của tất cả mọi người. Vì thế, rất cần các mô hình hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường để học sinh cùng chung tay.

Do đó, cô Xuân đã đề xuất với Ban giám hiệu xây dựng mô hình “Trường học xanh, lớp học xanh” cùng phong trào trồng và chăm sóc cây xanh. Cô đã lên dự án “Vườn rau em chăm” để học sinh các lớp được tự tay gieo trồng, chăm sóc các loại hạt rau theo thời vụ. Sau khi gieo trồng chăm sóc các em được thu hoạch và bán rau. Toàn bộ số tiền bán rau sẽ giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài liên đội.

Song song với mô hình này, cô phát động và tuyên truyền qua phong trào “Chủ động sống xanh, chung tay hạn chế rác thải nhựa” nhằm giáo dục học sinh có ý thức, thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường. Đồng thời giáo dục học sinh lối sống xanh tích cực và chủ động thay đổi thói quen như: Không sử dụng túi nilon, cốc nhựa để bảo vệ môi trường xanh, trái đất xanh.

Trong thời gian học sinh phải nghỉ học ở nhà phòng dịch Covid-19, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, cô Xuân còn tạo ra các sân chơi cho học sinh với các cuộc thi hấp dẫn như: Viết, vẽ tranh phòng chống Covid-19; phòng chống biến đổi khí hậu; rửa sạch tay - đánh bay Covid. Mỗi cuộc thi, cô đã truyền đi nhiều thông điệp về ý thức phòng chống dịch cũng như bảo vệ môi trường.

Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết, khi đến trường, em rất thích không gian lớp học với khu vườn rau xanh mát. Trong những ngày học trực tuyến, cô đã hướng dẫn em làm đồ dùng học tập từ phế liệu, tái chế chai nhựa, điều này giúp em có thêm kiến thức về môi trường sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Cô Xuân tâm niệm, giáo viên chính là người “gieo trồng hạnh phúc” do đó, mỗi nhà giáo phải là người truyền cảm hứng, người thắp lửa, dẫn đường. Bằng tình yêu và niềm hạnh phúc của người thầy, cô luôn muốn lan tỏa niềm vui của mình cho học sinh, cho mọi người để mỗi người cảm thấy ngày hôm nay của mình tốt hơn ngày hôm qua, để mỗi ngày đến trường với học trò thực sự là một ngày vui.

Quá trình cải tạo là không hề dễ dàng. Ví dụ như không thể gắn sỏi lên tường vì không có loại keo kết dính, do đó, sáng kiến đưa ra là dùng bê tông gắn vào tường, dùng vít bắt chặt lại sau đó gắn sỏi lên. Cùng với đó là một loạt những khó khăn về kinh phí, những vướng mắc trong quá trình thi công... Vượt qua rất nhiều khó khăn, công trình đã được hoàn thành đẹp ngoài mong đợi. - Cô Vũ Hoài Nhi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ