Học sinh đuối nước: Đến hẹn lại lo

GD&TĐ - Tình trạng học sinh bị đuối nước trong nhiều năm trở lại đây không chỉ là sự tổn thất cho các gia đình, cá nhân học sinh gặp nạn mà nó đã trở thành nỗi lo của xã hội. 

Bể bơi trong trường học vẫn là ước mơ xa vời.
Bể bơi trong trường học vẫn là ước mơ xa vời.

Càng bước vào mùa nắng nóng, tình trạng mất an toàn tính mạng càng có nguy cơ xảy ra với trẻ em khi tìm đến ao hồ, sông, bể bơi… để giảm nhiệt. Phòng bị kĩ năng an toàn dưới nước cho học sinh đang trở thành nhu cầu bức thiết của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Hồi chuông báo động

Trong nhiều năm gần đây tình trạng học sinh bị đuối nước đã trở thành nỗi lo lắng của toàn xã hội và đặc biệt khi vào mùa hè nắng nóng thì đuối nước càng đáng quan ngại bởi sự ra tăng về số vụ. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối, nhất là vào những tháng nghỉ hè, tỷ lệ trẻ đuối nước càng có nguy cơ tăng cao.

Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam do tai nạn thương tích, chiếm tới hơn 50%. Việt Nam có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Đặc biệt, tai nạn đuối nước ở trẻ em thường gia tăng mạnh trong mùa hè, trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi.

Chúng ta từng đau lòng trước vụ việc trên đường đến trường, 9 học sinh nam lớp 6 trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) đã rủ nhau xuống sông Trà Khúc xã Nghĩa Hà để tắm. Đây là khúc sông nước sâu, chảy xiết mà đoạn đường lại vắng người qua lại. Tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra khiến các em mãi mãi không còn được tới trường, không trở về nhà với cha mẹ và người thân. Rồi sự việc 3 học sinh Bình Định đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể khi đi tắm biển. Tại Đồng Nai, một vụ đuối nước thương tâm cũng khiến 3 học sinh thiệt mạng mà nguyên nhân ban đầu chỉ bởi một em trượt chân rơi xuống suối, các em khác nhảy xuống cứu…

Có thể thấy, không biết bơi vẫn là nguyên nhân hàng đầu, lớn nhất, cho hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em. Dù xã hội và các phương tiện truyền thông liên tục nhắc nhở về thực trạng này nhưng dường như các vụ tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn không ngừng tăng lên. Ở nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ nhiều, nhưng trẻ em không được dạy kỹ năng bơi, hay kỹ năng sống sót khi ở trong nước.

Những con số, sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của người lớn, gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần đưa kỹ năng bơi lội vào trường học như một môn học bắt buộc, nhất là các trường ở địa phương có nhiều ao hồ, sông suối. Cùng đó các nhà quản lý cần đưa ra một chương trình hành động, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước.

Trường học phổ cập bơi - Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Nhìn vào thực tế có thể thấy việc đưa dạy bơi vào trường học đang tồn tại nhiều khó khăn. Hầu hết các trường chỉ có 2 tiết giáo dục thể chất trong một tuần mà chủ yếu dạy các môn chạy, nhảy, ném bóng với sân bãi… Học sinh hầu như không được học bơi và các trường cũng không có hồ bơi, ngoại trừ một số trường học chất lượng cao. Số lượng học sinh biết bơi trong một trường học chiếm tỷ lệ còn quá thấp. Và đáng nói, các em biết bơi không phải bởi được nhà trường giảng dạy mà do cha mẹ thấy cần thiết tự cho con học thêm bên ngoài.

Ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục cho rằng: Muốn xây dựng thí điểm mô hình dạy bơi trong các trường tiểu học, trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em thì trước hết các trường phải được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Rất khó để có thể tận dụng bể bơi công cộng cho việc dạy bơi cho học sinh. Ban đầu sẽ cố gắng xây dựng ở mỗi huyện (thị xã, thành phố) một bể bơi thí điểm. Tiếp đó tiến tới nhân rộng mô hình bể bơi cho học sinh theo quy mô cụm trường. Sau cơ sở vật chất, vấn đề nhân lực, cán bộ giảng dạy cần cũng phải được chú trọng. Để có đội ngũ giáo viên đáp ứng công tác dạy bơi cho học sinh ở các địa phương, Sở GD-ĐT phải phối hợp với các sở ban ngành khác tổ chức tập huấn cho giáo viên để đạt chuẩn chuyên môn. Bên cạnh đó là các vấn đề như: Xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu dạy bơi; các quy định về quản lý dạy bơi; quy định về kinh phí đóng góp của học sinh, chế độ tài chính cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ… đều là những vấn đề cần lên kế hoạch cụ thể thực hiện.

Đến nay, nhiều trường đã ý thức được tầm quan trọng của môn bơi nhưng thẳng thắn nhìn nhận để dạy bơi cho học sinh trong trường học không phải là điều đơn giản bởi còn liên quan đến nhiều thứ. Nhiều địa phương còn nghèo, không thể có diện tích đất làm bể bơi mà bể bơi cũng phải được xây đúng quy chuẩn mới an toàn. Chưa kể còn phải có đội ngũ huấn luyện viên bơi, trong khi hiện nay các trường mới chỉ có giáo viên thể chất.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục việc triển khai dạy bơi hiệu quả trong các trường học, không cách nào khác các trường nên kết hợp cùng các trung tâm TDTT tuyến quận huyện để có được địa điểm và cơ sở vật chất. Mặt khác, các bể bơi trên địa bàn các quận cũng cần ưu tiên, hỗ trợ cho các trường. Việc xây dựng hồ bơi trong trường học, cũng như tìm kiếm giáo viên huấn luyện rất cần có sự hỗ trợ của nhiều ban ngành bởi nếu không, các trường sẽ rất khó triển khai.

Việc đưa bơi lội vào giảng dạy trong trường học sẽ tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe và tăng cường kỹ năng sống; giúp các em tích cực, chủ động thích nghi với đặc điểm tự nhiên của địa phương; vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Tuy nhiên để thực hiện được trong các trường học là cả một quá trình lâu dài. Hy vọng với ý nghĩa thiết thực, cùng với sự quan tâm của gia đình, xã hội… việc đưa bơi lội vào giảng dạy trong trường học sẽ sớm được thực hiện và thu được kết quả khả quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.