(GD&TĐ)-Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Khoa sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) vừa công bố khảo sát về việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã từ hơn 4.000 người dân và gần 3.600 học sinh THCS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Cuộc khảo sát thực hiện từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2011 cho thấy, chỉ có 28,2% học sinh THCS tham gia khảo sát đã từng sử dụng sản phẩm động vật hoang dã. Việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã của học sinh được định hướng bởi cha mẹ, người lớn trong gia đình. Học sinh thường được bố mẹ cho ăn thịt động vật hoang dã tại các quán đặc sản ở các tỉnh khác khi đi chơi xa với cả nhà, hoặc nhân các sự kiện trong gia đình như sinh nhật, thôi nôi...
Khảo sát cũng cho thấy học sinh có thái độ tốt hơn người lớn trong việc bảo vệ động vật hoang dã và sẵn sàng bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, hầu như cả người dân và học sinh đều không biết và không nhớ số điện thoại nào để thông báo đến các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo tồn khi thấy động vật hoang dã bị buôn bán, tiêu thụ trái phép.
Cũng theo khảo sát này, ăn thịt là hình thức sử dụng sản phẩm động vật hoang dã phổ biến nhất, tiếp đến lần lượt là uống rượu, làm thuốc, làm cảnh và làm đồ trang trí, thời trang.
Đan Thảo