Học sinh chuyên được học trước đại học: Thử nghiệm đột phá

GD&TĐ - Việc ĐHQG Hà Nội cho phép học sinh THPT chuyên trong cả nước được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học đang nhận được sự quan tâm của các trường THPT chuyên.

Học sinh chuyên được học trước đại học cần được nghiên cứu đầy đủ để có thể nhân rộng. Ảnh minh họa
Học sinh chuyên được học trước đại học cần được nghiên cứu đầy đủ để có thể nhân rộng. Ảnh minh họa

Hoàn thành tốt chương trình THPT là ưu tiên cao nhất

Là Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quốc học (Thừa Thiên - Huế), thầy Nguyễn Phú Thọ cho rằng: Ưu tiên hàng đầu của học sinh là hoàn thành tốt chương trình ở phổ thông. Cùng với đó, trang bị thêm các kiến thức về ngoại ngữ, kỹ năng mềm và rèn luyện một số kỹ năng về nghiên cứu khoa học…

“Ở trường chuyên, chương trình nặng hơn so với chương trình đại trà, do đó việc các em học thêm chương trình ở đại học là khá căng thẳng. Học THPT là thời gian đẹp nhất của tuổi học trò, ngoài việc học, rèn luyện các kỹ năng, các em cần có hoạt động khác để vui chơi, giải trí…”. Thầy Nguyễn Phú Thọ đồng thời nhấn mạnh: Học sinh thực sự có khả năng và nhu cầu nên lựa chọn các tín chỉ có nội dung học mang tính đại cương, cơ sở sẽ thuận lợi hơn khi vừa học chương trình THPT vừa học chương trình đại học. Còn nội dung mang tính chuyên sâu đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian, không phải học cho qua…

Cô Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cũng cùng quan điểm học sinh THPT nên dành ưu tiên cao nhất việc hoàn thành tốt chương trình học THPT. Việc trường đại học cho phép học sinh THPT chuyên đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo ĐH tất nhiên tạo cơ hội cho các em, nhưng cũng là cách để trường thu hút sinh viên tiềm năng.

“Việc này không dành cho số đông mà phù hợp hơn với những trường THPT chuyên thuộc các đại học, với những học sinh có năng lực vượt trội, chắc suất vào đại học… học sinh chuyên ở các tỉnh sẽ khó theo đuổi việc học đại học như trên nếu các trường chỉ đào tạo trực tiếp, không có hình thức trực tuyến…”, cô Quỳnh Lan nhận định.

ĐHQG Hà Nội cho phép học sinh THPT chuyên học trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học.
ĐHQG Hà Nội cho phép học sinh THPT chuyên học trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học.

Liên quan đến nội dung này, thầy Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Vinh cho biết: Một trong 6 mục tiêu cơ bản của Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên là “tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường trung học phổ thông chuyên với việc đào tạo ở đại học”. Việc cho phép học sinh THPT chuyên đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học phù hợp với mục tiêu nói trên. Điều này tạo cơ hội cho học sinh có khả năng vượt trội, khả năng tự học cao được tiếp cận sớm hơn với các chương trình đào tạo chuyên sâu, hiểu rõ về các tri thức mình tiếp nhận một cách căn cơ, bản chất, hệ thống…

Tuy nhiên, điều thầy Phạm Xuân Chung quan tâm hơn trong việc tăng cường kết nối giữa trường THPT chuyên và trường đại học là sự tham gia bồi dưỡng, giảng dạy các chuyên đề cho học sinh chuyên của chuyên gia; qua đó học sinh được mở mang hiểu biết khoa học, bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp tự học, làm việc nhóm... tạo cho các em niềm đam mê, hứng thú với môn học.

Bên cạnh đó là sự tham gia của trường đại học trong xây dựng chương trình sao cho chương trình chuyên và chương trình đại học có sự kết nối; hỗ trợ học sinh trường chuyên thực hiện các nghiên cứu khoa học bằng việc hướng dẫn tiếp cận các hướng nghiên cứu mới, được sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nguồn học liệu… của trường đại học.

Ưu tiên hàng đầu của học sinh là hoàn thành tốt chương trình phổ thông. Ảnh minh họa
Ưu tiên hàng đầu của học sinh là hoàn thành tốt chương trình phổ thông. Ảnh minh họa

Cần có giải pháp triển khai phù hợp

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Với sứ mạng luôn tiên phong đổi mới, quy chế đặc thù của ĐHQG Hà Nội là một tín hiệu đáng mừng, góp phần thay đổi tư duy về giáo dục. Việc cho phép học sinh THPT chuyên của ĐHQG Hà Nội (đủ điều kiện cứng) và trong tương lai cũng có thể mở rộng hơn cho các đối tượng không chỉ là học sinh chuyên - tham gia sớm vào các hoạt động học tập ở môi trường ĐH giải quyết các vấn đề: Giải phóng năng lượng tích cực, sự sáng tạo của học sinh; tiết kiệm được thời gian tham gia chương trình đào tạo; tiếp cận sớm với đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia và định hướng sớm về nghề nghiệp.

Trên thực tế, với năng lực, tiềm năng sẵn có của mình, những chương trình được thiết kế đặc thù, thúc đẩy việc phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt, phát hiện tài năng, nhân tài, học sinh trường chuyên hoàn toàn có thể tiếp cập với môi trường đại học. Các em được tiếp cận sớm với các nhà khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm cấp cao, môi trường sáng tạo, cách học dựa trên nghiên cứu và những điều kiện thuận lợi kết nối với quốc tế…

Mặt khác, theo TS Tôn Quang Cường, quy chế đặc thù này cũng sẽ đặt ngược lại bài toán cho các nhà trường trong việc thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mô-đun hóa (theo tiếp cận chuẩn đầu ra), tổ chức các phương thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt hơn nữa dựa trên nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa đối tượng đầu vào. Đây cũng là xu hướng phát triển của các khóa học mở đại trà diện rộng (MOOCs) vốn được nhiều đại học ở các quốc gia áp dụng trong thời gian gần đây. Các công nghệ giáo dục mới hiện nay cũng cho phép hỗ trợ quá trình đào tạo, thực hiện các nhiệm vụ học tập hay nghiên cứu một cách linh hoạt nhằm gia tăng cơ hội học tập mở, giảm thiểu các rào cản về mặt không gian, thời gian, nguồn lực…

Bên cạnh đó, các nhà trường đại học cũng cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp triển khai phù hợp liên quan đến số lượng các tín chỉ học phần, mức độ tải trọng học tập, độ sâu về nội dung kiến thức, khả năng đáp ứng về nguồn lực đào tạo, hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ. Ví dụ, việc tiếp cận sớm với giáo dục đại học cho học sinh THPT sẽ chủ yếu thuận lợi đối với những lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản hay một số ngành mang tính ứng dụng phổ biến hiện nay (ngoại ngữ, tin học, kinh tế…), hoặc với một số học phần mang tính chất dẫn nhập, đại cương.

Việc bảo đảm logic, tính khoa học trong thực thi chương trình đào tạo cũng đặt ra bài toán về các học phần nền tảng, tiên quyết, hệ thống kỹ năng đặc thù, năng lực chuyên biệt… đòi hỏi các học sinh THPT cần cân nhắc, tính toán phù hợp với năng lực, sở thích, kế hoạch học tập cá nhân. Mặt khác, trong thời gian tới các trường chuyên THPT cũng có thể tái cấu trúc chương trình nhà trường theo tiếp cận mô-đun hóa, phân hóa và cá nhân hóa đối tượng để phát huy tiềm năng của học sinh, tạo sự kết nối liền mạch (theo logic của lĩnh vực khoa học, môn học)… đáp ứng linh hoạt các nhu cầu, năng lực đa dạng của học sinh chuyên.

“Mô hình này cần được triển khai thử nghiệm, tiếp tục nghiên cứu đầy đủ để có thể nhân rộng, tạo cơ hội tiếp cận học tập cho nhóm HS tài năng, đủ năng lực học tập và nghiên cứu đáp ứng đúng tinh thần phát triển xã hội học tập hiện nay” - TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.

Theo Quyết định 4412/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy định cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc THPT và bậc đại học tại ĐHQG Hà Nội, học sinh THPT của ĐHQG Hà Nội và học sinh THPT chuyên trong cả nước bắt đầu từ kỳ II lớp 11 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học của ĐHQG Hà Nội nếu bảo đảm các điều kiện: Có kết quả học tập tối thiểu loại Giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước; Được hiệu trưởng trường THPT nơi học sinh đang theo học và đơn vị đào tạo đại học đồng ý bằng văn bản...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ