Đối mặt với thách thức trên, quốc gia tiên phong về kỹ thuật số này không chỉ tăng cường an ninh mạng, mà còn đặt giáo dục về hiểu biết truyền thông vào trung tâm của chiến lược bảo vệ đất nước.
Cuộc chiến chống tin giả
Năm 2007, Estonia hứng chịu một trong những cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử. Trong giai đoạn đất nước rơi vào bất ổn, tin giả lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, gây nên làn sóng biểu tình và bạo lực ở nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Tiếp theo đó, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn đã làm tê liệt các trang web chính phủ, ngân hàng và truyền thông Estonia. Sự việc phải mất nhiều ngày xử lý và nhiều tháng để đưa cuộc sống người dân trở lại quỹ đạo ban đầu.
Sau sự việc, Estonia ý thức rất rõ và có phần sớm hơn các quốc gia châu Âu khác về an ninh mạng. Do đó, nước này đã củng cố hệ thống Internet và đầu tư vào một phương thức phòng chống mạnh mẽ hơn là giáo dục người dân nhận biết và đối phó với thông tin sai lệch.
Từ năm 2010, các trường công lập từ bậc mẫu giáo đến trung học đã tích hợp nội dung giáo dục về truyền thông vào chương trình giảng dạy. Đặc biệt, học sinh lớp 10 phải tham gia khóa học bắt buộc kéo dài 35 giờ với chủ đề “Phương tiện truyền thông và sức ảnh hưởng”.
Ông Siim Kumpas, cựu cố vấn truyền thông chiến lược của Chính phủ Estonia, khẳng định rằng giáo dục hiểu biết truyền thông được đánh giá là quan trọng ngang với Toán học hay Ngữ văn. Đây không chỉ là một kỹ năng, mà còn là một phần thiết yếu trong an ninh quốc gia và văn hóa kỹ thuật số của đất nước này.
Dù dân số chỉ khoảng 1,3 triệu người nhưng Estonia được biến đến là một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ của Estonia nhằm giáo dục trẻ em nói riêng và người dân nói chung cách phân biệt giữa thông tin đáng tin cậy và thông tin sai lệch đang đem lại hiệu quả, nhất là trong giai đoạn trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển.
Năm 2021, Estonia xếp thứ ba trong Chỉ số Hiểu biết Truyền thông châu Âu, chỉ sau Phần Lan và Đan Mạch. Thành tích này phản ánh mức độ nhận thức cao của người dân Estonia trong việc đánh giá và kiểm chứng thông tin.
Điều đáng nói là vị trí cao này có được dù mức thu nhập trung bình của Estonia chỉ bằng một nửa so với các quốc gia giàu có nhất châu Âu. Hiểu biết về phương tiện truyền thông và năng lực số đã trở thành một phần bản sắc của Estonia, phản ánh trong việc số hóa hầu hết các dịch vụ công, bao gồm bỏ phiếu, nộp thuế và quản lý dữ liệu cá nhân.

Đầu tư cho giáo dục
Không có một mô hình giáo dục hiểu biết truyền thông cứng nhắc, Estonia lồng ghép linh hoạt nội dung này vào các môn học khác nhau. Ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được tiếp cận với những khái niệm cơ bản thông qua các trò chơi tương tác. Ví dụ, đồ chơi lập trình giúp trẻ hiểu về thuật toán – nền tảng của công nghệ số. Lên lớp Một, các em được học về cách tạo nội dung số và sử dụng Internet an toàn.
Tại cấp tiểu học, trong môn Toán học, học sinh được hướng dẫn cách đọc hiểu số liệu thống kê, tránh bị xáo trộn suy nghĩ bởi các dữ liệu không chính xác. Trong môn Mỹ thuật, các em phân tích hình ảnh, quảng cáo để hiểu cách truyền thông tác động đến nhận thức của con người. Môn Nghiên cứu xã hội tập trung vào tuyên truyền và ảnh hưởng của chiến tranh thông tin.
Đến bậc trung học, chính phủ không đưa ra một chương trình đào tạo Internet bắt buộc thay vào đó là những mục tiêu, kết quả học tập cần đạt được. Do đó, các trường có thể tự xây dựng giáo án, tự quyết định cách thức tiếp cận chương trình học. Từ đó, giáo viên được linh hoạt lựa chọn tài liệu và phương pháp học tập.
Tuy nhiên, “Phương tiện truyền thông và sức ảnh hưởng” vẫn là môn học bắt buộc trong chương trình bên cạnh các kiến thức Internet tự chọn khác. Môn học này giúp học sinh hiểu về vai trò của truyền thông trong xã hội, cách nhận diện tin giả, cách hoạt động của bot và troll trên mạng, cũng như phương pháp tự bảo vệ trước các nội dung sai lệch. Học sinh được thực hành tạo nội dung truyền thông để hiểu rõ hơn cách tin tức có thể được trình bày nhằm thuyết phục hay thao túng công chúng.
Cô Liisa Koik - giáo viên giảng dạy về phương tiện truyền thông tại Lähte, Estonia, cho biết, ngoài lớp học bắt buộc, các trường trung học cũng thường xuyên tổ chức các lớp học tự chọn về phương tiện truyền thông, trong đó học sinh có cơ hội tự sản xuất video, bài đăng mạng xã hội hoặc blog. Thông qua các bài học thực tế này, học sinh hiểu rõ hơn về cách nội dung truyền thông được thiết kế để tác động đến tâm lý và quan điểm của người xem.
Một điểm đặc biệt của hệ thống giáo dục Estonia là không có bài kiểm tra tiêu chuẩn quốc gia về hiểu biết truyền thông. Giáo viên được trao quyền chủ động trong việc đánh giá năng lực của học sinh thông qua các bài tập và kỳ thi tự thiết kế.
Tuy nhiên, để giúp người dân nhận diện tin giả, chính phủ đã phát triển một bài kiểm tra trực tuyến miễn phí gồm 20 câu hỏi, đánh giá khả năng phát hiện thông tin sai lệch. Ngoài ra, trang web giáo dục của Estonia còn có phim hoạt hình dành cho trẻ em về an toàn trực tuyến, hướng dẫn các em cách kiểm chứng thông tin trên mạng.

Tấm gương cho thế giới
Không chỉ dừng lại ở giáo dục trong nước, mô hình của Estonia cũng thu hút sự quan tâm của các quốc gia khác. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, các quan chức quân sự Mỹ đã đến Estonia để tìm hiểu về cách chống lại chiến tranh thông tin.
Quốc hội Anh cũng đã tham khảo ý kiến từ các chuyên gia Estonia để xây dựng chiến lược nâng cao hiểu biết truyền thông cho công dân nước mình. Theo ông Siim Kumpas, việc giúp công dân hiểu rõ về tuyên truyền và tin giả không chỉ làm họ kiên cường trước các chiến dịch thông tin sai lệch, mà còn bảo vệ họ trước sự xâm nhập của những thông tin gây chia rẽ trong xã hội.
Trong bối cảnh thông tin sai lệch tràn lan trên toàn cầu, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã thực hiện các sáng kiến nâng cao nhận thức về vấn đề này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch “Tạm dừng. Cẩn thận trước khi chia sẻ” nhằm khuyến khích người dùng kiểm chứng thông tin trước khi lan truyền.
WHO đã làm việc với 50 công ty công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội như Meta, TikTok, Google, Viber, WhatsApp và YouTube để đảm bảo thông tin sức khỏe của WHO xuất hiện đầu tiên trong các tìm kiếm trên Internet. Các công ty cũng phải tuyên truyền cho người dùng báo cáo thông tin sai lệch khi họ bắt gặp thông tin sai lệch.
Liên Hợp Quốc, UNESCO và các chính phủ trên thế giới cũng liên tục triển khai các tuần lễ về hiểu biết truyền thông để tăng cường nhận thức cho cộng đồng. Năm 2020, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cũng cảnh báo về các mối đe dọa an ninh mạng trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, đặc biệt là khi mọi người làm việc hoặc học tập từ xa. Họ đã tạo ra một trang web “Sở thú trực tuyến” dành cho trẻ em, sử dụng phim hoạt hình và video để dạy chúng về an ninh mạng.

Đón đầu AI
Những năm gần đây, Estonia cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đưa AI vào giáo dục, giúp học sinh không chỉ hiểu về công nghệ này, mà còn biết cách ứng dụng nó vào thực tế.
Ngay từ bậc tiểu học, trẻ em đã được làm quen với tư duy lập trình thông qua các công cụ trực quan như Scratch hay các loại robot giáo dục như Lego Mindstorms. Lên trung học, học sinh bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về máy học, dữ liệu lớn và đạo đức AI, đồng thời thực hành lập trình bằng Python và các thư viện học máy cơ bản.
Không chỉ giảng dạy kiến thức, Estonia còn tận dụng AI để cá nhân hóa việc học tập, giúp học sinh có lộ trình học phù hợp với năng lực của mình. Các nền tảng giáo dục sử dụng AI để phân tích dữ liệu và đề xuất tài liệu, hỗ trợ giáo viên đánh giá tiến độ của từng em một cách chính xác hơn.
Đặc biệt, giáo dục về trí tuệ nhân tạo ở Estonia không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, mà còn chú trọng đến các vấn đề đạo đức, giúp học sinh hiểu rõ tác động của AI đối với xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ Estonia đầu tư mạnh vào việc đào tạo giáo viên, cung cấp các khóa học và công cụ AI để họ có thể giảng dạy hiệu quả hơn. Đặc biệt, khóa học trực tuyến “Elements of AI” (tạm dịch: Các khía cạnh của trí tuệ nhân tạo) do Estonia phát triển đã giúp không chỉ học sinh mà cả công chúng có thể tiếp cận với kiến thức về trí tuệ nhân tạo một cách dễ hiểu và thực tế.
Với cách tiếp cận này, Estonia không chỉ trang bị cho học sinh kỹ năng công nghệ, mà còn giúp họ phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và có trách nhiệm hơn khi sử dụng AI trong tương lai.
Estonia, với những nỗ lực kiên trì của mình, đã chứng minh rằng giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống tin giả. Bằng cách trang bị cho thế hệ trẻ tư duy phản biện và khả năng phân biệt thông tin chính xác, quốc gia này không chỉ bảo vệ được nền dân chủ, mà còn xây dựng một xã hội kỹ thuật số vững mạnh, sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai.
Khái niệm “e-Estonia”, nghĩa là Estonia kỹ thuật số, thể hiện một xã hội công nghệ tinh vi, nơi người dân có thể làm chủ Internet nói chung và kiểm soát những khía cạnh tiêu cực nói riêng. Là người thiết kế các khóa học về kiến thức truyền thông và kỹ thuật số cho các trường đại học, trung học ở Estonia, bà Maria Murumaa-Mengel, giảng viên Đại học Tartu, nhận định: Người dân Estonia đã quen với ý tưởng họ là một quốc gia kỹ thuật số. Họ nghĩ và hành động mọi thứ trên Internet như sử dụng một ngôn ngữ thứ hai.