Học ôn lớp 12: Lựa theo phương thức xét tuyển Đại học

GD&TĐ - Ngay từ đầu năm học, nhiều thầy cô, học sinh lớp 12 tại TPHCM đã lên kế hoạch học tập tương ứng với thực tế đa dạng phương thức xét tuyển từ mùa tuyển sinh 2020. Bên cạnh đó, với thông tin Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020 của Bộ GD&ĐT, các em cho biết yên tâm chuẩn bị kiến thức để vượt vũ môn.

Học sinh khối 12 Trường THCS-THCS Đào Duy Anh trong giờ học. Ảnh: NTCC
Học sinh khối 12 Trường THCS-THCS Đào Duy Anh trong giờ học. Ảnh: NTCC

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Nguyễn Quốc Bảo, học sinh lớp 12A14 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TPHCM cho hay: Em dự định thi khối Văn, Sử, Anh nên có những đầu tư nhất định ngay từ năm lớp 10. Theo đó, Bảo phấn đấu được 4 kỳ học sinh giỏi và năm lớp 12 này, em tiếp tục nỗ lực, cố gắng học tập tốt để có 5 kỳ học sinh giỏi, có thể xét tuyển học bạ ở một số trường ĐH. Bảo chia sẻ thêm: Năm học qua, một số anh chị dù đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng vẫn “hụt” mất nguyện vọng 1 xét tuyển ĐH nên em cân nhắc việc nộp học bạ xét tuyển để “chắc ăn”.

“Để đạt học sinh giỏi, bản thân em không thể lơ là bất cứ môn học nào, phải học đều và ngay từ đầu năm đã có kế hoạch học tập cụ thể. Bên cạnh đó, em cũng đầu tư, dành thời gian nhiều hơn cho 3 môn Văn, Sử, Anh để thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển ĐH”, Bảo cho biết. Theo đó, mỗi ngày Bảo dành 2 tiếng để học môn Tiếng Anh, 1 tiếng học Văn. Riêng môn Sử, học bài nào trong SGK em đều học kĩ và nắm chắc kiến thức từng bài. “Em đặt mục tiêu vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM”, Bảo chia sẻ.

Tương tự, em Đinh Châu Ngọc Minh, lớp 12 AT.1 Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh chia sẻ: Với phương thức xét tuyển ĐH như hiện nay, em đã lập ra kế hoạch dài hơi trong những năm học cấp 3. Ngọc Minh có 2 năm học (lớp 10 và 11) đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện em tiếp tục cố gắng, học tập chăm chỉ để tiếp tục đạt giỏi ở học kỳ I lớp 12. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để có thể xét tuyển đầu vào ĐH qua học bạ. Song song với đó, Ngọc Minh cũng chuẩn bị tốt môn Tiếng Anh khi em vừa hoàn thành kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS với số điểm 7.0. Ngọc Minh dự định sẽ theo học Trường ĐH Kiến trúc, nên môn năng khiếu cũng được em chú trọng, đầu tư. 

Học sinh lớp 12 tại TPHCM lên kế hoạch học tập phù hợp theo định hướng các phương thức xét tuyển ĐH. Ảnh minh họa: P.Thanh
Học sinh lớp 12 tại TPHCM lên kế hoạch học tập phù hợp theo định hướng các phương thức xét tuyển ĐH. Ảnh minh họa: P.Thanh 

Kế hoạch học tập phù hợp cho học sinh

Nhiều trường học ở TPHCM đã xây dựng kế hoạch học tập phù hợp cho học sinh khối 12. Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), thông tin từ Bộ GD&ĐT về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cơ bản sẽ ổn định như năm 2020 là tín hiệu đáng mừng cho cả thầy và trò.

Từ đầu năm học nhà trường đã triển khai tới các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch dạy học và củng cố kiến thức cho học sinh. Căn cứ vào đăng kí ban đầu của các em về lựa chọn bài thi tổ hợp, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu phù hợp. Trường vừa dạy học theo kế hoạch năm học của ngành GD-ĐT, vừa có bài kiểm tra định kỳ để nắm tình hình học tập của các em.

“Căn cứ vào các bài kiểm tra định kỳ (2 - 3 tuần/bài), giáo viên sẽ củng cố kiến thức, hỗ trợ học sinh nhằm giúp các em học đến đâu chắc đến đó”, thầy Hiếu nói. Với phương thức xét tuyển ĐH như năm 2020, Trường Nhân Việt có nhiều học sinh xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là căn cứ để trường đưa ra kế hoạch học tập phù hợp giúp các em nắm chắc kiến thức cơ bản và xây dựng những chuyên đề, chủ đề học tập nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, biết cách vận dụng vào thực tiễn.

Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Cuối năm học 2019 - 2020, trường cho học sinh lớp 11 khảo sát về bài thi tự chọn. Kết quả tương tự như năm học trước, trường có khoảng 2 lớp chọn bài thi Khoa học Xã hội và 13 lớp còn lại chọn bài thi Khoa học Tự nhiên. Kết quả khảo sát là căn cứ để nhà trường có kế hoạch học tập trong năm học 2020 - 2021.

Theo đó, ở giai đoạn này học sinh vẫn học tập bình thường các môn học. Khi kết thúc chương trình mới bắt đầu tăng tốc. Lợi thế của trường là tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nên sẽ tổ chức các chuyên đề, chủ đề học tập để giúp các em củng cố kiến thức, nâng cao và dạy học theo hình thức phát triển năng lực học sinh, phát huy sự sáng tạo của người học.

Thầy Khương cho biết thêm: Khoảng 90% học sinh của trường đăng kí dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Kết quả cho thấy rất đông học sinh khối 12 của nhà trường trúng tuyển bằng phương thức này. Như đợt xét tuyển năm 2020 vừa rồi, chỉ riêng 3 trường gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), học sinh của trường đậu gần 200 em. Vì vậy, việc học tập theo định hướng này cũng được nhà trường lên kế hoạch phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ