Lợi ích từ học nội trú
Nhiều cha mẹ cho rằng, việc ở trong gia đình sẽ khiến người lớn dễ dàng quản lý các con hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc một số học sinh ở nhà thường vui chơi quá mức dẫn đến học hành sa sút. Nhất là các em ở tuổi mới lớn thường hay nghiện game và các ứng dụng mạng xã hội. Với môi trường nội trú thì khác rất nhiều. Ở đây, các em được học cách quản lý thời gian biểu phù hợp đã được nghiên cứu và áp dụng tại các trường. Học sinh cũng được cân bằng thời gian học tập và sinh hoạt nghỉ ngơi phù hợp.
“Đối với phụ huynh việc đưa đón con cái ở trường, ở lớp học thêm, tham gia các hoạt động ngoại khóa ngốn rất nhiều thời gian của họ, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Cuộc sống luôn phải chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái khiến bố mẹ không có thời gian để nghỉ ngơi, cũng không được tận hưởng cuộc sống của riêng mình. Việc cho con học nội trú giúp bố mẹ giảm thiểu được thời gian đi lại, cũng như giải quyết được nhiều mối lo như không nắm được con đang ở đâu sau giờ tan học. Nhờ đó mà tập trung tốt hơn cho công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống và chăm sóc cho bản thân tốt hơn”, chị Nguyễn Thị Ngọc (cán bộ Ngân hàng Vietinbank) chia sẻ.
Đối với học sinh miền núi, nhiều cha mẹ chưa chú trọng việc học hành của trẻ thì học nội trú, thầy cô sẽ dạy dỗ, định hướng và dìu dắt để phát triển khả năng cho tương lai của các em.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Em Giàng Thị Mỹ Sinh - học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT THCS Nậm Ban - tâm sự: “Học tập và sinh hoạt tại trường, em được các thầy, cô giáo hướng dẫn nhiều kỹ năng sống bổ ích, ban đầu chưa quen nhưng dưới sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của thầy cô hiện em và các bạn đều biết tự chăm sóc bản thân, tự giác học tập, rèn luyện”.
Cô giáo Cao Thị Dương - Tổng phụ trách Đội của Trường PTDTBT THCS Nậm Ban - chia sẻ: “Để giúp các em làm quen với môi trường bán trú, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, nhà trường và Liên đội lồng ghép các nội dung trong bài giảng để giáo dục học sinh. Đó là tình đoàn kết, giữ gìn vệ sinh, tinh thần yêu lao động, vượt khó, biết giúp đỡ người xung quanh, tuân thủ quy định của pháp luật. Qua đó, giúp học sinh có thêm kiến thức, tự tin ứng xử tốt với các tình huống trong cuộc sống. Rèn được kỹ năng làm việc theo nhóm, ứng xử văn hóa, hòa đồng với bạn bè, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, môi trường, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác”.
Theo chuyên gia, tại trường nội trú, ngoài việc học được cách tự cân đối chi tiêu, tự giác học tập, chủ động trong sinh hoạt, học sinh sẽ trưởng thành hơn, biết tự chăm sóc bản thân, sống bản lĩnh hơn và học được cách ứng phó với các tình huống tập thể. Bên cạnh đó, các em sẽ được trải nghiệm những thời khắc thanh xuân đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui bên cạnh bạn bè. Từ đó, giúp các em cởi mở, sống hòa nhã, trung thực hơn và tránh xa các tệ nạn xã hội.
Không giao khoán kiểu trăm sự nhờ thầy
Thực tế, không ít gia đình có điều kiện hoặc con cái khó dạy bảo đã chọn nội trú như một giải pháp. Họ đã lấy nhà trường để thay gia đình chăm sóc, giáo dục con mình.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Long, Trường Nội trú IVS (Bắc Ninh), cho biết, nhiều em ban đầu vào trường cứ đòi về. Các em chưa quen cuộc sống xa gia đình, lại phải chủ động hơn cho chính bản thân mình thay vì có người phục vụ. Thế nhưng, ở môi trường được rèn luyện và kỷ luật tốt, nhiều em đã thay đổi tích cực. Nếu chỉ học 1 tháng hay nửa năm sẽ khó để chờ đợi kết quả như mong đợi, nhưng học nội trú cả cấp học sẽ khiến tuổi “nổi loạn” trưởng thành hơn rất nhiều và đi đúng hướng.
“Lối sống tại các trường nội trú là tập thể, cộng đồng. Lối sống này vừa giúp các em có thêm động lực học tập và phấn đấu khi được tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng trang lứa, vừa tạo điều kiện để các em rèn luyện kỹ năng, gắn chặt tình đoàn kết với bạn bè và học cách ứng phó với các tình huống trong môi trường sống chung. Đồng thời, cũng hiểu được trách nhiệm của bản thân mình và sẽ tự giác thực hiện kỷ luật, trật tự, học được kỹ năng sống và kỹ năng mềm từ sớm”, thầy Long nói.
Cũng theo thầy Long, cha mẹ cần phối hợp tốt với nhà trường và đừng quá lo lắng. Bởi những việc trẻ phải làm đều trong khả năng và sức lực của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên phụ trách nội trú rất có tâm với nghề, có trách nhiệm và yêu thương trẻ. Nhiều thầy cô từng thức khuya dậy sớm khi học sinh bị ốm. Họ chăm lo như chính con của mình. Vì vậy, học sinh học nội trú xa nhà nhưng tình cảm nhận được không khác gì chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần gắn kết để quan tâm tới trẻ để con không có cảm giác mình bị bỏ rơi.
Giảng viên giáo dục học Nguyễn Trường Giang (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, nguyên lý giáo dục là phối hợp ba môi trường gia đình, nhà trường, xã hội, nên phụ huynh đừng giao “khoán” theo kiểu trăm sự nhờ thầy. Cha mẹ có 1 - 2 đứa con nhưng thầy cô có đến mấy chục đứa con thì làm sao quan tâm xử lý hết được. Giáo dục không thể hoàn toàn nhờ thầy cô theo mô hình nội trú mà phải có trực tiếp dạy dỗ của cha mẹ. Vì thế, dù con học nội trú, gia đình vẫn cần có sự liên kết với nhà trường để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ một cách thống nhất, đồng bộ.