Thầy Nguyễn Trọng Trường, giáo viên Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) cho biết: Với môn Ngữ văn, khi học Chương trình GDPT 2018, học sinh đã quen với lối học thuộc lòng, phụ thuộc rất nhiều vào thầy, cô giáo vào những bài giảng về tác phẩm.
Ở Chương trình GDPT 2018, mục tiêu, định hướng, yêu cầu của môn học đặt ra hoàn toàn khác, nên học sinh sẽ gặp lúng túng, mất nhiều thời gian để bắt nhịp.
Môn Ngữ văn đòi hỏi học sinh trau dồi kỹ năng, biết phân tích, đánh giá vấn đề chứ không còn là học thuộc như học ở cấp THCS. Hơn nữa, cách ra đề kiểm tra không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa là một thử thách lớn với các em.
Để có thể học tốt môn học này, thầy Nguyễn Trọng Trường lưu ý, điều đầu tiên, học sinh xác lập một tinh thần học tập chủ động, mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, ý kiến cá nhân, thỏa sức cảm thụ tác phẩm văn học mà không phải bị bó buộc theo lối bình giảng, cảm nhận của giáo viên.
Thứ hai, học sinh cần hình thái thói quen đọc – nghe - nhìn các vấn đề xã hội diễn ra thường ngày để mở rộng vốn sống, vốn hiểu biết cũng như có nguồn dẫn chứng phong phú khi làm bài văn nghị luận xã hội.
Thứ ba, học sinh cần nắm chắc đặc trưng của thể loại văn học, chú trọng vào kỹ năng đọc - hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại, kỹ năng đánh giá, phân tích một tác phẩm văn học.
“Khi chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học phát triển năng lực, cách ghi bài của học sinh trước kia không còn phù hợp với sách giáo khoa mới và phương pháp dạy học mới. Chương trình GDPT 2018 chọn hướng tiếp cận hình thành năng lực, do đó, sau mỗi bài học, câu hỏi được đặt ra là học sinh sẽ làm được gì?
Học sinh cần thay đổi cách ghi chép trong tiết học. Đó không chỉ là phần ghi những kiến thức cần nhớ mà là phần ghi chú những chỉ dẫn cần thiết khi kết hợp đọc văn bản dưới dạng sơ đồ, bảng biểu... Như vậy, học sinh sẽ biết cách thực hiện các nhiệm vụ đọc, viết, nói và nghe”, thầy Nguyễn Trọng Trường lưu ý.