Học hòa nhập ở trẻ khiếm thính

GD&TĐ - Khiếm thính (điếc) là một dạng khuyết tật rất đặc biệt. Trẻ điếc thường không nghe và nói được cho nên trẻ phát triển chậm. Vì vậy việc dạy dỗ, giúp trẻ hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn. Tìm hiểu về vấn đề này phóng viên báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với TS. Đinh Văn Đoàn - Chuyên gia tâm lý học – Nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội.    

Học hòa nhập ở trẻ khiếm thính

- Là một nhà tâm lý - người làm công tác quản lý giáo dục chuyên biệt nhiều năm xin ông cho biết những khó khăn trong giáo dục hòa nhập trẻ khiếm?

Khó khăn đầu tiên chính là về tâm lý của phụ huynh học sinh (HS) không muốn cho con mình học với các bạn khuyết tật học hòa nhập trong lớp. Bởi họ e sợ khi có trẻ khuyết tật học hòa nhập trong lớp ảnh hưởng đến con mình.

Một khó khăn nữa phải kể đến đó là dạy học bằng ngôn ngữ ký hiệu cho HS khiếm thính. Ngôn ngữ ký hiệu dù có dạy tốt thế nào cũng không bằng ngôn ngữ nói. Với ngôn ngữ nói chúng ta rất dễ dàng khi gọi tên sự vật, đồ vật, hiện tượng..., chỉ cần nói đến thôi là người nghe đã có thể hiểu và biết đó là cái gì. Còn ngôn ngữ ký hiệu chỉ bằng trực quan, dùng tay, chân để diễn tả nên rất khó.

Ví dụ: Để diễn tả được một điều lãng mạn, lãng đãng văn chương một chút bằng ngôn ngữ kí hiệu là HS khiếm thính chịu thua rồi. Thế nhưng trong ngôn ngữ nói, người ta chỉ cần nói ý (nói bóng) thôi là người nghe đã có thể hiểu và tưởng tượng ra những hình ảnh rất đẹp và rất nên thơ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi được nhiều phụ huynh phản ánh lại rằng, ở trường cô khen con tiến bộ; ở trường cô trò luôn ríu rít, tươi cười với nhau nhưng ở nhà thì bố mẹ vẫn cho con là đứa trẻ khuyết tật vì không được giao tiếp được với con.

Bởi vì ngôn ngữ kí hiều thì chỉ ở trong trường, cô biết, thầy biết, trò biết với nhau. Trong khi, mục đích cuối cùng của giáo dục là giáo dục để trẻ khuyết tật sau này được sống hòa nhập với xã hội chứ không thể ở trường mãi được.

Mặc dù, nhà trường cũng có mở lớp cho các bố mẹ học, tuy nhiên không phải bố mẹ nào cũng tham gia được vì nhiều lí do: mải bận làm ăn, không có thời gian tham gia... Hơn nữa, để học được ngôn ngữ kí hiệu thì các thầy cô cũng rất mệt chứ đừng nói đến bố mẹ các em. Cũng đã có phụ huynh tham gia được vài buổi rồi bỏ vì ngôn ngữ kí hiệu cũng rất khó nếu như không kiên trì theo học.

Nội chung ngôn ngữ ký hiệu hạn chế hơn về tư duy. Cũng chính vì hạn chế về tư duy và lại còn trừu tượng nên hiện nay số HS vào được trung học phổ thông đếm trên đầu ngón tay, mặc dù trường có bề dày hơn 40 năm, đã cho ra trường mấy nghìn HS.

- Tâm lý lo ngại đó của những phụ huynh có con bình thường theo học tại trường Xã Đàn, theo ông có đúng không? Ông đã giải thích với phụ huynh thế nào?

Thực tế thì phụ huynh lo ngại cũng đúng, bởi vì theo tôi cũng có ít nhiều ảnh hưởng. HS khiếm thính thường giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ kí hiệu (thường ra hiệu với nhau bằng tay...). Thế thì, khi các bạn HS bình thường khác chơi với các bạn khiếm thính cũng phải ít nhiều biết một chút ngôn ngữ kí hiệu của các bạn khiếm thính mới có thể giao tiếp được. Cũng giống như mình học tiếng Anh với người nước ngoài, mình phải có một số vốn từ tiếng Anh nhất định mới có thể giao tiếp với họ.

Thế nên, đã có những phụ huynh có con bình thường không muốn con mình bị ảnh hưởng thứ "ngôn ngữ bằng tay" của các bạn khiếm thính đã xin chuyển trường cho con vì lo, nếu học một thời gian nữa về nhà con lại chỉ trỏ với bố mẹ chứ không chịu nói...

Lúc đó, với các bậc phụ huynh còn lo ngại, tôi cũng như các thầy cô giáo trong Trương đã chỉ ra cho phụ huynh hiểu rằng, học trong môi trường hòa nhập với trẻ khiểm thính, các em HS bình thường sẽ nhìn nhận được sự khó khăn của các bạn khuyết tật mà cố găng vươn lên học tập tốt hơn.

Hơn nữa sống trong môi trường hòa nhập, việc các thầy cô ứng xử với các bạn HS khuyết tật bằng một tấm lòng nhân ái, bao dung... thì những HS bình thường cũng học được sự nhân ái, bao dung từ các thầy cô mà có những ứng xử đẹp với những người khó khăn hơn mình. Đồng thời, trong môi trường học tập, trẻ sẽ biết cách gần gũi, chia sẻ với nhau hơn.

Nhiều phụ huynh, nhiều nhà nghiên cứu đã đến quan sát HS của chúng tôi trong những giờ ra chơi và có nhận xét: chúng chơi với nhau rất hòa đồng, tự nhiên, thoài mái, không thể có phân biệt được đâu là trẻ khuyết tật.

Nhiều phụ huynh đứng quan sát trẻ chơi với nhau nói: Em chả thấy đứa nào là đứa khuyết tật. Chỉ có những HS đeo máy trợ thính ở tai phụ huynh mới phát hiện ra.

- Ông có nhận xét gì về công tác dạy trẻ đặc biệt hiện nay?

Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc giáo dục trẻ chuyên biệt, đặc biệt là Hà Nội – địa phương dẫn đầu về việc giáo dục chuyên biệt có nhiều trường dạy trẻ chuyên biệt tương đối tốt. Chế độ cho GV dạy chuyên biệt đã có nhiều chính sách quan tâm, chăm lo.

Cùng với việc chăm lo đời sống, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thì GV Hà Nội là địa phương thực hiện được hưởng nhiều chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ưu đãi và tốt nhất. Ở các địa phương khác, nhiều nơi chưa thực hiện được việc này.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ dạy trẻ chuyên biệt tại nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Nhiều cô giáo tâm sự, đã dạy trẻ chuyên biệt 7-10 năm nay nhưng chỉ dạy bằng cái tâm với trẻ nên còn hạn chế về chuyên môn. Vì vậy GV phải liên tục bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để thay đổi, bổ sung chuyên môn, phương pháp dạy.

Trước đây đội ngũ GV chưa được đào tạo dạy trẻ khiếm thính một cách bài bản. Họ mới chỉ là những thầy cô giáo có trình độ chuyên môn dạy học phổ thông và có tấm lòng yêu trẻ khuyết tật, chứ không được đào tạo bài bản.

Từ năm 2000 trở lại đây, khi có khoa Giáo dục đặc biệt của đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo GV chuyên biệt đã gỡ khó cho các trường dạy trẻ chuyên biệt. Tuy nhiên việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp chưa được quan tâm đúng mực. Nếu chỉ giáo dục lửng lơ sẽ không đem lại cho các em một kết quả tốt, một tương lai tươi sáng sau này.

- Theo ông cần khắc phục thực trạng này như thế nào?

Theo tôi, trước hết phải làm sao để HS học tập tốt, phụ huynh tin yêu Nhà trường thì năng lực đội ngũ GV là hết sức quan trọng, vì vậy cần thường xuyên đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV.

Bên cạnh đó cần làm rất tốt công tác tuyên truyền về việc cho trẻ khiếm thính học hòa nhập để phụ huynh hiểu và chia sẻ bằng cách tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, truyền thông..., mời phụ huynh tới trường quan sát các con chơi với nhau và chỉ ra cho phụ huynh thấy việc học hòa nhập này không ảnh hưởng gì đến con họ cả mà chỉ có lợi cho con họ mà thôi.

Thật ra thì trẻ khiếm thính chỉ không nói, không nghe được nên các em chậm chạp hơn và hiền lành hơn so với HS bình thường khác, còn mọi chức năng khác đều bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.