Học Cao đẳng sư phạm: Nhiều cơ hội việc làm

GD&TĐ - Thống kê Kỳ thi THPT quốc gia 2017 cho thấy, nhóm ngành đào tạo giáo viên là nhóm ngành có tới hơn 520.000 lượt thí sinh đăng ký. Nếu như trước đây tỉ lệ thí sinh chọn ngành Sư phạm trung học đông, thì nay tỉ lệ thí sinh chọn ngành Giáo dục mầm non chiếm tỉ lệ lớn trong nhóm ngành đào tạo giáo viên do nhu cầu thực tế giáo viên cấp bậc học này.

Học Cao đẳng sư phạm:  Nhiều cơ hội việc làm

Chuyển biến về nhận thức hướng nghiệp

Có thể hơi ngạc nhiên khi nhìn vào số lượt thí sinh đăng ký nhóm ngành đào tạo trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017, mặc dù ngành Giáo dục được đánh giá là dôi dư nhân lực trong mấy năm trở lại đây. Bất cập thừa - thiếu giáo viên là một vấn đề cũng đã được Bộ GD&ĐT đề cập đến tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016 – 2017 vừa qua.

Theo đó, tổng số giáo viên các trường công lập dôi dư trong cả nước là gần 27.000 người. Tuy nhiên, số giáo viên còn thiếu lại lên tới hơn 45.000 người, trong đó chủ yếu thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non với 32.641 người và bậc tiểu học thiếu 7.824 người...

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non được cho là có nguyên nhân từ một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực.

Bên cạnh đó, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ giáo viên do việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp... dẫn đến gia tăng tỉ lệ học sinh tiểu học và mầm non.

Thực tế cho thấy, nhận thức hướng nghiệp của nhiều học sinh và gia đình đã có những chuyển biến tích cực, theo dõi sát nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, lực chọn ngành nghề phù hợp, để học xong ra trường là có việc làm ngay. Trong vài năm trở lại đây, sinh viên nhóm ngành cao đẳng sư phạm mầm non tốt nghiệp ra trường, đều có khá nhiều cơ hội việc làm tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập và ngoài công lập.

Nguyễn Thị Hường, một cô giáo mầm non tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Cô tốt nghiệp Trường CĐSP Hà Nội năm 2016, ngay sau khi tốt nghiệp, cô đã nộp đơn xin việc tại trường mầm non tư thục và được cơ sở này nhanh chóng tiếp nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm là 4,5 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý là các bạn cùng khóa của Hường cũng đều khá dễ dàng tìm được công việc theo đúng ngành nghề được đào tạo tại các trường mầm non công lập và tư thục.

Yên tâm về khả năng tìm việc

Trong thời điểm hiện tại, chỉ cần lướt nhanh một số trang tuyển dụng như: vieclameva, timviecnhanh, mywork, vieclam 24h... người tìm kiếm có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non. Yêu cầu trình độ chủ yếu là cao đẳng, trung cấp với mức lương dao động từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục, nhu cầu nhân lực của giáo dục mầm non đến năm 2020 sẽ cần khoảng 240.000 người; bình quân mỗi năm tăng 6.600 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục tiểu học đến năm 2020 khoảng 522.000 người; bình quân mỗi năm tăng 5.750 người... Do đó, theo học cao đẳng sư phạm, sinh viên có thể yên tâm về khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Được biết, hiện nay hệ cao đẳng mầm non được đào tạo với thời gian học 3 năm. Điều kiện dự tuyển là thí sinh phải tham gia Kỳ thi THPT quốc gia và đỗ tốt nghiệp. Nếu xét tuyển theo học bạ THPT yêu cầu phải có bộ hồ sơ học sinh – sinh viên; Giấy khai sinh bản sao; Công chứng bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các em thí sinh vừa tham gia thi THPT năm 2016; Học bạ THPT, yêu cầu trúng tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT là điểm trung bình môn năm lớp 12 phải đạt từ 5,5 trở lên và hạnh kiểm khá trở lên.

Đến năm 2020 nhu cầu giáo viên mầm non miền núi phía Bắc cần khoảng 26.100 người; Đồng bằng sông Hồng khoảng 44.000 người; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung khoảng 35.000 người; Tây Nguyên khoảng 10.000 người; Đông Nam Bộ khoảng 21.000 người, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 22.000 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.