Trong gia đình, việc trao đổi, nói chuyện cùng nhau hết sức quan trọng, đặc biệt là việc trao đổi, nói chuyện cùng những đứa con yêu quý của mình.
Qua trao đổi, nói chuyện cùng con, các bậc làm cha làm mẹ vừa truyền đạt kinh nghiệm, bài học cuộc sống cho con, mặt khác sẽ giúp cho cha mẹ hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của con, và từ đó mà có những cách thức, biện pháp tác động, giáo dục con cái phù hợp, hiệu quả.
Thực tế, không phải ai cũng biết và có đủ khả năng, kỹ năng trao đổi, nói chuyện cùng con cái. Nhiều người cứ nghĩ một cách đơn giản rằng chỉ cần chăm lo đầy đủ đời sống vật chất, đáp ứng những đòi hỏi hàng ngày của con là họ đã hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ với con cái của mình. Thật ra, đây là những suy nghĩ và nhận thức hoàn toàn sai trái, lầm lẫn. Bởi con người nói chung, những đứa trẻ nói riêng đều cần và mong muốn được cha mẹ quan tâm, nói chuyện, trao đổi.
Để có thể trao đổi, nói chuyện cùng con một cách hiệu quả, các bậc cha mẹ cần thiết phải có những phương pháp và kỹ năng cần thiết. Tự trang bị kiến thức cơ bản trong giao tiếp, ứng xử là yêu cầu đầu tiên. Hiện nay có rất nhiều các ấn phẩm, sách báo hướng dẫn cách thức, kỹ năng trong nói chuyện, giao tiếp. Việc thường xuyên đọc, nghiền ngẫm những tài liệu về trang bị kiến thức trong giao tiếp, trao đổi, ứng xử sẽ giúp ích rất nhiều cho những người làm cha làm mẹ, tạo điều kiện thuận lợi trong mở rộng hiểu biết, nâng cao khả năng giao tiếp, nói chuyện chính mình và cơ sở cho việc nói chuyện, trao đổi thành công với con cái.
Bên cạnh việc thường xuyên trò chuyện cùng con, cha mẹ cũng cần thật sự kiên nhẫn và biết cách lắng nghe. Nói chuyện với con cái không phải là việc quá khó khăn nhưng cũng không hoàn toàn dễ dàng. Nếu cha mẹ không thật sự kiên nhẫn, không biết cách lắng nghe con nói chuyện thì việc giao tiếp với con sẽ rất khó thành công, ngược lại còn phản tác dụng. Kiên nhẫn với con cái trong nói chuyện là yêu cầu tiên quyết.
Việc nói chuyện, trao đổi đã khó, thì việc biết cách lắng nghe càng khó khăn hơn. Thiếu kỹ năng lắng nghe, không biết cách lắng nghe sẽ làm cho người đối diện – những người con, sẽ thấy thiếu sự tôn trọng, thiếu sự quan tâm tới điều đang trao đổi, từ đó sẽ không hoàn toàn trình bày hết những điều ẩn giấu trong lòng. Vì vậy, rất nhiều nhà tâm lý học cũng đã chỉ ra yêu cầu đó là cha mẹ cần dẹp bỏ những ưu tư, phiền muộn trong công việc, trong cuộc sống ra khỏi đầu khi trò chuyện với con.
Trao đổi, nói chuyện cùng con đang là vấn đề của mỗi gia đình hiện đại. Việc thiếu thông tin, thiếu sự trao đổi, nói chuyện chân thành, thẳng thắn cùng nhau và nhất là giữa cha mẹ với con cái có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới những đứa trẻ giờ đây chỉ biết lên mạng nói chuyện, kết bạn, vui buồn cùng nhau trong một thế giới ảo mà không biết những gì đang xảy ra bên ngoài. Chính vì vậy, mỗi người làm cha làm mẹ hãy thường xuyên quan tâm, trao đổi, nói chuyện cùng con bởi gia đình là tế bào của xã hội, con cái chúng ta là tương lai nước nhà và là nguồn hạnh phúc của chính chúng ta.