Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra theo hướng không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của UBTVQH, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày nêu rõ: việc sửa đổi Luật Thanh tra là nhằm nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng, của cơ quan thanh tra nói chung về hoạt động, quyết định của mình. Và tổ chức hoạt động thanh tra để bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hiện hành, và để tránh xáo trộn tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm sự ổn định về tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra, trong giai đoạn trước mắt khi chưa thể thực hiện được phương án tổ chức cơ quan thanh tra độc lập, thì cần đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối. Theo đó, Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; vừa là cơ quan thực hiện thanh tra theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định của mình. Về vấn đề thanh tra nhân dân, UBTVQH cho rằng, trong điều kiện chưa xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mô hình thanh tra này, thì cần giữ lại những quy định về thanh tra nhân dân trong Luật hiện hành. Bởi đây là một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, để đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với phương án tổ chức và hoạt động thanh tra vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối. Để bảo đảm thanh tra có tính độc lập tương đối thì cũng cần bổ sung một số quy định về nhiệm vụ, cụ thể của cơ quan thanh tra. Trong đó, cơ quan thanh tra có quyền chủ động xây dựng Kế hoạch thanh tra sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra. Cơ quan thanh tra trong phạm vi, quyền hạn của mình có thể chủ động tiến hành thanh tra theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Đại biểu Đăng Huyền Thái (đoàn Hà Nội) đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách, quyết định không đúng.
Về thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan trực thuộc bộ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án không tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở tổng cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở, mà giao cho chính các cơ quan này tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), thanh tra chuyên ngành thực chất cũng là một nội dung quản lý của cơ quan Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động thanh tra chuyên ngành đòi hỏi người tiến hành phải có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chuyên ngành thực hiện. Do vậy, hoạt động này nên giao cho chính cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan này trực tiếp tiến hành thanh tra và quyết định xử lý vi phạm thì sẽ kịp thời, hiệu quả hơn là việc thành lập một bộ phận riêng. Tổ chức một bộ máy thanh tra nữa thì sẽ khiến phình bộ máy hành chính, đi ngược với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ tổ chức bộ máy và biên chế hiện nay. Nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) băn khoăn: thanh tra của bộ, sở dù được bổ sung cán bộ thì có chắc sẽ với tới đến cơ sở hay không? Lực lượng cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cấp tỉnh, huyện có đáp ứng được khối lượng công việc tăng lên hay không?
Đại biểu Nguyễn Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần quy định xuyên suốt theo hướng tại nơi nào làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì nơi đó tổ chức thanh tra. Điều này cũng phù hợp với xu hướng bộ, ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hiện nay; giúp tổ chức thanh tra minh bạch hơn, tránh chồng chéo, trùng lắp.
Đại biểu Phạm Thị Hoa (đoàn Thanh Hóa), đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra theo hướng không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với Kiểm toán Nhà nước. Bởi thực tế, khi tiến hành thanh tra tại một cơ quan, tổ chức thì sẽ khó tránh khỏi làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, do sẽ nảy sinh tâm lý lo lắng cho cán bộ, công chức. Hơn nữa, quy định việc thanh tra không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, thì sẽ thực hiện như thế nào với việc thanh tra lại cũng được quy định trong dự thảo Luật. Đặc biệt, quy định không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian giữa cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước sẽ tạo kẽ hở, hạn chế hoạt động của cơ quan kiểm toán. Bởi quy định như vậy thì khi cơ quan thanh tra tổ chức kiểm tra, thanh tra, thì đương nhiên Kiểm toán Nhà nước sẽ không được hoạt động. Ban soạn thảo cần rà soát để đưa quy định phù hợp, giúp cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước có thể phối hợp nhuần nhuyễn.
Quang Anh