Hoạt động sáng kiến kinh nghiệm thúc đẩy GD Nghệ An phát triển

Hoạt động sáng kiến kinh nghiệm thúc đẩy GD Nghệ An phát triển

(GD&TĐ) - Phong trào đúc rút sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên trong các trường học Nghệ An được duy trì không bao giờ ngắt quãng suốt 50 năm qua - kể từ năm học 1960-1961 cho tới nay.

Ngay trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, điều kiện hết sức khó khăn, nhưng nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị vẫn được ra đời: "gắn dạy và học với lao động sản xuất" của giáo viên Trường Cấp 2 Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), "giáo dục học sinh thông qua việc tổ chức lao động sản xuất" của giáo viên Trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Sông Con, "tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh" của giáo viên Trường Cấp 3 Quỳnh Lưu 2, .... Có trường như Cấp 1 Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), suốt ba bốn năm liền, mỗi năm đã tự ra một tập san "sáng kiến kinh nghiệm" cho riêng mình. Nhưng có thể nói rằng, phong trào được phát triển sâu rộng nhất với nội dung phong phú, đa dạng chính là giai đoạn 10 năm nay (2001-2010).

Trong giai đoạn 2001 - 2010, số cán bộ, giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm lên đến hàng vạn người, số sáng kiến kinh nghiệm gửi lên để xét công nhận ở cấp tỉnh cũng ngày một tăng: năm 2007 có 691 bản, năm 2010 là 1189 bản. Và số sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp tỉnh cũng nhiều lên nhanh chóng: năm 2001 có 13 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 và 72 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 khuyến khích; năm 2010, con số đó là 32 và 214 và tính trong 10 năm là 234 và 1155.    

Hàng năm, hàng vạn giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh st)
Hàng năm, hàng vạn giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh st)

Điều đáng trân trọng là phong trào đã phát triển đều khắp ở tất cả các vùng. Riêng năm 2010, trong số 246 tác giả có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp tỉnh thì có tới 45 tác giả ở các trường miền núi, 32 tác giả ở các trường vùng cao, như các tác giả: Ngân Thị Ngọc Thuý, Trường THCS Tam Thái (Tương Dương) với "Các giải pháp xoá mặc cảm, tự ti để khuyến khích học sinh đến trường phụ đạo yếu kém"; Nguyễn Thị Hương, Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu) với "Ứng dụng công nghệ thông tin dạy bài Chạm khắc gỗ đình làng Việt Nam”; Nguyễn Thị Bình, Trường TH Châu Phong 2 (Quỳ Châu) với "Tự chủ trong chỉ đạo dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc",…..

Về nội dung, nếu như trước đây, các sáng kiến kinh nghiệm chủ yếu chỉ xoay quanh các bài dạy, một số rất ít đi vào hoạt động giáo dục học sinh thì hiện nay,  nhiều tác giả đã mạnh dạn thể nghiệm, đúc rút kinh nghiệm khá toàn diện các mặt hoạt động của nhà trường, kể cả các vấn đề còn mới như quản lý chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý nhà trường, thực hiện chương trình phân ban ở THPT, phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học,…. như: "Góp một cách dạy học văn bản địa phương thuộc thể loại trữ tình của hai cô giáo Nguyễn Thị Phương và Hồ Thị Thu Hương, Trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu); "Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá" của thầy giáo Trần Minh Xuyên, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng; "Phát huy vai trò cán bộ lớp, cán bộ đoàn trong công tác chủ nhiệm" của cô giáo Lâm Thị Ái Thơ, Trường THPT Thanh Chương 1,…

Theo ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, trong những năm vừa qua, các sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành gửi về Sở để xét công nhận bậc 4 có chất lượng khá, nội dung phong phú và tương đối toàn diện, thể hiện rõ sự say sưa, tâm huyết, sáng tạo của người viết đối với các hoạt động giáo dục; nhiều người hết sức công phu trong sưu tầm, tập hợp tư liệu để thuyết minh cho sáng kiến kinh nghiệm của mình - và đây cũng chính là những tư liệu bổ ích phục vụ cho hoạt động của các nhà trường.

Ông Thái Huy Vinh cũng cho biết, tuy phong trào đúc rút sáng kiến kinh nghiệm của ngành có nhiều tiến bộ vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Một số đơn vị chưa xây dựng được phong trào, ngay như năm 2010 vẫn còn có đến 24/130 đơn vị không tham gia hoạt động này. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là một số người có biểu hiện sao chép, thiếu trung thực trong hoạt động khoa học; nhiều sáng kiến kinh nghiệm không có khả năng áp dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi vì khi thể nghiệm, các tác giả chỉ chú ý đến điều kiện của nơi mình công tác mà chưa quan tâm đến điều kiện thực tiễn của đa số các trường học trên địa bàn Nghệ An.

Chính nhờ phong trào phát triển sâu rộng mà trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo luôn luôn chiếm trên một nửa tổng số các Giải thưởng sáng tạo công nghệ-khoa học hàng năm của tỉnh (năm 2008 đạt 9/18, năm 2009 đạt 15/26 giải thưởng).

Nhưng điều quan trọng hơn, phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà trường trong tỉnh. Phát huy tốt những kết quả vượt trội và thực hiện các giải pháp khắc phục những gì còn tồn tại trong 10 qua, hy vọng phong trào đúc rút sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An sẽ đạt được nhiều thành công mới ở thập niên trước mắt.    

                                                                                               Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ