Cần có chính sách đặc thù về NCKH cho sinh viên khối ngành mỹ thuật |
Một số chuyên gia trong ngành nhận định, ngay cả những trường ĐH về mỹ thuật hàng đầu ở miền Bắc hiện nay như ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật công nghiệp là những địa chỉ đào tạo khá bài bản và chất lượng về thực hành mỹ thuật thì công tác NCKH của sinh viên Mỹ thuật vẫn chưa theo kịp các ngành khác.
Khó do đặc thù ngành
Nhiều các cán bộ, giảng viên khối ngành Mỹ thuật cho rằng, đặc thù ngành là một lý do khiến công tác NCKH của sinh viên khối ngành này còn hạn chế so với các ngành khác. Như ThS.Phạm Văn Tuyến – Phó trưởng khoa sư phạm Âm nhạc Mỹ thuật – ĐHSP Hà Nội nhận định, số sinh viên nghệ thuật NCKH còn hạn chế, không ít sinh viên nghệ thuật thấy xa lạ và khó khăn khi nói đến NCKH.
Theo ThS.Phạm Văn Tuyến, sinh viên nghệ thuật thường sử dụng ngôn ngữ tạo hình, cảm xúc nhiều hơn ngôn ngữ văn bản viết, ngôn ngữ văn bản nên việc trình bày một vấn đề thường hạn chế, ít có điều kiện rèn luyện phát triển. Thêm nữa, sinh viên hiện nay chưa được trang bị tốt phương pháp nghiên cứu nên hầu hết các em không quan tâm đến NCKH hoặc có em quan tâm thì lại loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu, làm gì và muốn đạt kết quả nào. ThS.Phạm Văn Tuyến cũng nhận định, sáng tác mỹ thuật, tổng quát lại cũng là một dạng NCKH.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần thị Hòa Diễm, Phòng KHCN-HTQT - ĐH nghệ thuật Huế cho rằng, từ đặc thù của đào tạo mỹ thuật, đặc thù của sinh viên mỹ thuật và đặc thù giảng dạy, học tập mang tính thực hành nhiều hơn lý thuyết, cũng như từ đặc trưng của rèn luyện thụ cảm thị giác và rèn luyện kỹ năng sáng tạo dưới sự tác động của tư duy trừu tượng cụ thể, cảm tính, trực tiếp đã làm cho trong nhận thức và tư duy của sinh viên mỹ thuật có thiên hướng nghiêng về tác nghiệp thực hành nhiều hơn là đào sâu tư duy trong khoa học lý thuyết. Điều này thể hiện trong việc sinh viên ngại tiếp cận các hình thức nghiên cứu khoa học lý thuyết, ngại phải đọc sách, phải viết và phải chuyên tâm suy nghĩ một vấn đề gì đó.
Cũng theo bà Trần thị Hòa Diễm, tỷ lệ sinh viên NCKH của trường trong nhiều năm qua, chỉ có khoảng 50% sinh việc thực sự làm NCKH, còn 50% là làm theo yêu cầu của khoa, trường và tiến hành NCKH theo kiểu bị động, bị chỉ định... Số này thường hay ỷ lại vào giáo viên hướng dẫn hoặc không thực sự tích cực trong tiến trình NCKH.
Cần có chính sách đặc thù
Khối ngành mỹ thuật với những đặc điểm riêng về đào tạo, tâm lý và những cấu trúc tư duy hình tượng đặc thù cần có được những chính sách, sách thức riêng để tạo điều kiện cho sinh viên NCKH thuận lợi, hiệu quả. Sự triển khai hoạt động sinh viên NCKH của khối ngành Mỹ thuật đại trà như tất cả các khối ngành khác là không phù hợp với tính đặc thù - bà Trần thị Hòa Diễm, Phòng KHCN-HTQT - ĐH nghệ thuật Huế kiến nghị.
Bên cạnh việc mong Bộ GD&ĐT có sự quan tâm riêng cho NCKH sinh viên đối với các trường đặc thù, PGS.TS.Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm nghệ thuật TW muốn có những văn bản về NCKH cho sinh viên phù hợp và có tiêu chí cụ thể cho NCKH sinh viên thuộc khối ngành nghệ thuật. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên cho phép tổ chức để các sinh viên trường có đặc thù gần giống nhau có liên hệ, kết hợp, trao đổi về công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Đưa hoạt động triển lãm của sinh viên ngành Mỹ thuật vào hệ thống nghiên cứu khoa học và coi đó là một công trình NCKH cũng là ý kiến của nhiều cán bộ, giảng viên khối ngành này.
Đồng tình với quan điểm khối ngành Mỹ thuật cần có được những chính sách, cách thức riêng để tạo điều kiện cho sinh viên NCKH hiệu quả, thuận lợi, TS.Nguyễn Khắc Thông – Vụ khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác NCKH của sinh viên như tăng cường đầu tư cho NCKH ở các cơ sở giáo dục ĐH về thư viện, phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu; chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học của sinh viên gắn kết chặt chẽ với kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của đơn vị; tiếp tục triển khai, đổi mới công tác xét tặng giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, tiếp tục thực hiện chính sách gửi đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài đối với sinh viên có công trình NCKH đặc biệt xuất sắc; xây dựng chính sách cụ thể hóa trách nhiệm của nhà trường, giảng viên đối với hoạt động NCKH của sinh viên...
Hiếu Nguyễn