Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo không hoàn toàn xa lạ

GD&TĐ - Trong thời gian gần đây, một hoạt động giáo dục được biết đến với tên gọi là “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lí giáo dục và giáo viên. 

Các học sinh THCS tại Hà Nội trong một lần trải nghiệm thực tế tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Các học sinh THCS tại Hà Nội trong một lần trải nghiệm thực tế tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Nhiều hoạt động dưới dạng trải nghiệm sáng tạo đã được triển khai thực hiện

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được cho là có thể mang lại cho học sinh cơ hội và điều kiện phát triển năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng. Với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hình thức và không gian dạy học được đổi mới, mở rộng ra ngoài lớp học; lực lượng tham gia quá trình dạy học không chỉ là giáo viên trong trường mà có sự tham gia của các thành phần xã hội,... 

Việc đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào trong chương trình giáo dục của nhà trường góp phần khắc phục những tồn tại của chương trình giáo dục hiện nay, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. 

Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động trải nghiệm định hướng giáo dục. Cách gọi tên có thêm cụm từ “sáng tạo” nhằm mục đích nhấn mạnh vai trò của chủ thể hoạt động và mục đích, ý nghĩa của loại hoạt động này. 

Triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo chính là thực hiện quan điểm, định hướng “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. 

Từ thời kì đầu của nền giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương pháp để đào tạo nên những người tài đức là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội!”. 

Đây cũng là nguyên lí giáo dục được qui định trong Luật giáo dục hiện hành của Việt Nam. Tuy vậy, trong thời gian vừa qua, do cách hiểu và cách làm, giáo dục -đào tạo chưa đạt được nhiều thành công trong việc thực hiện nguyên lí này.

Trên thế giới, từ giữa thế kỉ XX, nhà khoa học giáo dục nổi tiếng người Mĩ, John Dewey, với tác phẩm Kinh nghiệm và Giáo dục (Experience and Education) đã chỉ ra hạn chế của giáo dục nhà trường và đưa ra quan điểm về vai trò của kinh nghiệm trong giáo dục. 

Với triết lí giáo dục đề cao vai trò của kinh nghiệm, Dewey cũng chỉ ra rằng, những kinh nghiệm có ý nghĩa giáo dục giúp nâng cao hiệu quả giáo dục bằng cách kết nối người học và những kiến thức được học với thực tiễn. 

Kolb (1984) cũng đưa ra một lí thuyết về học từ trải nghiệm (Experiential learning), theo đó, học là một quá trình trong đó kiến thức của người học được tạo ra qua việc chuyển hóa kinh nghiệm; nghĩa là, bản chất của hoạt động học là quá trình trải nghiệm. 

Một số quan niệm khác của các học giả quốc tế cho rằng giáo dục trải nghiệm coi trọng và khuyến khích mối liên hệ giữa các bài học trừu tượng với các hoạt động giáo dục cụ thể để tối ưu hóa kết quả học tập (Sakofs, 1995); học từ trải nghiệm phải gắn kinh nghiệm của người học với hoạt động phản ánh và phân tích (Chapman, McPhee and Proudman, 1995); chỉ có kinh nghiệm thì chưa đủ để được gọi là trải nghiệm; chính quá trình phản ánh đã chuyển hóa kinh nghiệm thành trải nghiệm giáo dục (Joplin, 1995).

Hội thảo Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh phổ thông năm 2015 của Bộ giáo dục và Đào tạo tập trung một số nghiên cứu, bài viết của một số nhà khoa học giáo dục Việt Nam về cơ sở lí luận, thực tiễn triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo ở một số quốc gia có nền giáo dục phát triển và một số gợi ý áp dụng vào giáo dục phổ thông ở Việt Nam. 

Theo tác giả Ngô Thị Thu Dung, trải nghiệm và sáng tạo là bản chất của hoạt động ở người. Bản chất hoạt động của người học nói riêng, của con người nói chung là hoạt động mang tính trải nghiệm, sáng tạo; tính sáng tạo ở đây được hiểu là sự sáng tạo ở cấp độ cá nhân, không phải ở cấp độ xã hội. 

Như vậy, hoạt động bao giờ cũng có thuộc tính trải nghiệm, sáng tạo của chủ thể. Các hoạt động giáo dục trong nhà trường được tổ chức phù hợp với bản chất hoạt động của con người đều có thể được coi là hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo, bao gồm cả các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. 

Do đó, có thể chia hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo thành 2 nhóm: Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo theo nghĩa hẹp nhằm hình thành các giá trị, phẩm chất, hành vi và Hoạt động dạy học trải nghiệm sáng tạo nhằm tổ chức hoạt động nhận thức - học tập sáng tạo cho người học.

Tác giả Đinh Thị Kim Thoa vận dụng lí thuyết học từ trải nghiệm của Kolb (1984) để tìm hiểu về hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Theo tác giả, để phát triển sự hiểu biết khoa học, chúng ta có thể tác động vào nhận thức của người học; nhưng để phát triển và hình thành năng lực (phẩm chất) thì người học phải trải nghiệm. 

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục thông qua sự trải nghiệm và sáng tạo của cá nhân trong việc kết nối kinh nghiệm học được trong nhà trường với thực tiễn đời sống, nhờ đó các kinh nghiệm được tích lũy thêm và dần chuyển hoá thành năng lực. 

Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục; đòi hỏi khả năng phối hợp liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. 

Hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, cuộc thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan học tập, sân khấu hóa (kịch, tiểu phẩm, thơ, hát,...) thể dục thể thao, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học kĩ thuật,... 

Các hoạt động này tạo cơ hội cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân, huy động sự tham gia của học sinh vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động. Học sinh được trình bày và lựa chọn ý tưởng, tham gia chuẩn bị, thiết kế hoạt động, trải nghiệm, bày tỏ quan điểm, tự đánh giá, tự khẳng định.

Như vậy, hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo không hoàn toàn xa lạ đối với giáo dục Việt Nam trước đây cũng như trong thời gian gần đây. 

Nhằm định hướng đổi mới căn bản, toàn diện, nhiều hoạt động dưới dạng trải nghiệm sáng tạo đã được triển khai thực hiện. 

Yêu cầu căn bản triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo

Theo đó, có thể thấy yêu cầu căn bản nhất của việc triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo trong thời điểm hiện nay là:

Tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực. Đối với mỗi chủ đề dạy học, mỗi bài học, tiết học, giáo viên cần tăng cường thiết kế và triển khai các hoạt động dạy học cả trong và ngoài nhà trường theo hướng tối đa hóa cơ hội trải nghiệm thực tiễn cho học sinh, gắn dạy học với thực tiễn cuộc sống hàng ngày, với văn hóa, hoạt động sản xuất -kinh doanh tại địa phương.

Tổ chức và duy trì các câu lạc bộ, các hoạt động sân khấu hóa, các hội thi, diễn đàn, giao lưu, hoạt động văn hóa -văn nghệ, chăm sóc di sản văn hóa.

Triển khai có hiệu quả cuộc thi Nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học, cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các tình huống thực tiễn.

Tổ chức tham quan, học tập qua di sản một cách thiết thực, khai thác tốt các di sản văn hóa ngay tại địa phương. Dạy học qua di sản phải được tiến hành có mục tiêu rõ ràng, phương pháp phù hợp theo định hướng tích cực hóa học sinh cả trong quá trình chuẩn bị, trải nghiệm thực tiễn và thu hoạch.

Trong quá trình tham gia trải nghiệm và thực hiện các hoạt động nêu trên, cũng cần lưu ý là học sinh phải được tích cực cả trong việc thực hiện các hoạt động thực tiễn cũng như trong tư duy. Học sinh phải có cơ hội thực hiện các thao tác tư duy tích cực thông qua hoạt động thực tiễn như phản ánh, phân tích, nhận định, đánh giá,... để chuyển hóa trải nghiệm thực tiễn thành giá trị, năng lực của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.