Trong diễn văn lễ kỷ niệm, bà Trần Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội điểm lại những dấu mốc: Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời - tổ chức công đoàn đầu tiên ở Việt Nam, tiền thân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ngày nay.
Chặng đường lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành với những bước ngoặt quan trọng, vô vàn khó khăn, thử thách và nhiều lần phải thay đổi tên gọi theo từng giai đoạn lịch sử: Công Hội đỏ, Nghiệp đoàn Ái quốc, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc, Tổng công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao kỷ niệm chương cho 6 cán bộ Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội |
Phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội liên tục có nhiều hoạt động, chương trình đổi mới, sáng tạo phù hợp với nhiệm vụ, chương trình của Công đoàn của ngành trong thời kỳ mới.
Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã từng bước được củng cố và phát triển ngày một lớn mạnh với 177 đơn vị khối trực thuộc và hơn 11.500 đoàn viên, phối quản trên 91.000 đoàn viên khối quận, huyện, thị xã.
Các chương trình, nội dung hoạt động của Công đoàn luôn gắn liền với thực tiễn, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn và nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Các cấp Công đoàn đã thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CBGV, NV. Công đoàn phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, xây dựng trường học “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”; các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm |
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội còn phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”, cuộc thi viết về “Tấm gương Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu”, vận động “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có khó khăn”…
Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 65 năm thành lập ngành GDĐT Hà Nội, 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi viết về “Tấm gương Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu” chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 65 năm thành lập ngành GDĐT Thủ đô. Kết quả có trên 12.000 bài dự thi cấp cơ sở, hơn 1.200 bài thi Chung khảo cấp Ngành với nhiều bài viết về những tấm gương nhà giáo Thủ đô qua các thời kỳ.
Văn nghệ chào mừng |
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả các chương trình công tác của các cấp công đoàn của Ngành Giáo dục Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, trong thời gian tới, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cần phát huy những kết quả đạt được, nhằm thực hiện tốt những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 Trung ương Đảng và Nghị quyết của các cấp công đoàn.
Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, CBGV-NV thực hiện nghiêm túc các quy tắc ứng xử nhằm xây dựng nề nếp, kỷ cương, xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch, không có nhà giáo vi phạm các quy chế chuyên môn và đạo đức nhà giáo.
Chủ động tham gia quản lý, phối hợp chính quyền đồng cấp kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách của nhà giáo, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của CBGV-NV, chủ động giải quyết những tồn tại, vướng mắc tại cơ sở. Phối hợp chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện, phương tiện làm việc của CBGV-NV.