Hoang hoải ở 'vùng đất của những vị thần'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mùa này Măng Đen se lạnh, làn sương mỏng mảnh như chiếc khăn voan trắng vắt ngang các dãy núi.

Măng Đen được bao bọc bởi những màn sương trắng xóa, tạo nên nét đẹp huyền ảo. Ảnh: Trọng Thịnh
Măng Đen được bao bọc bởi những màn sương trắng xóa, tạo nên nét đẹp huyền ảo. Ảnh: Trọng Thịnh

Mùa này Măng Đen se lạnh, làn sương mỏng mảnh như chiếc khăn voan trắng vắt ngang các dãy núi. Ngọn gió thu cuốn theo hương thơm thoang thoảng của hoa cỏ khiến người ta cảm thấy dễ chịu, khoan khoái. Măng Đen huyền ảo, tĩnh lặng, yên bình.

Viên ngọc quý của người Mơ Nâm

Cách TP Kon Tum hơn 50 km về hướng Đông Bắc, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) như một thiên đường nghỉ dưỡng. Ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen có nhiệt độ trung bình từ 16 - 20 độ C. Nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh, hồ thác, suối đá và văn hóa bản địa nguyên sơ.

Giữa đồi thông bạt ngàn, hàng trăm căn biệt thự ẩn hiện trong màn sương tạo ra một cảnh tượng vừa cổ kính vừa huyền bí. Những dòng thác đổ xuống đêm ngày mượt như mái tóc của nàng tiên mang vẻ đẹp hoang sơ, man dại.

Không chỉ có thác ghềnh, giữa lòng Măng Đen còn những hồ nước trong xanh, in bóng núi rừng. Tất cả đã tạo ra cho Măng Đen vẻ đẹp của một bức tranh thủy mặc sống động, nổi bật giữa Tây Nguyên đại ngàn.

Là chủ nhân của vùng đất này, từ xa xưa người Mơ Nâm luôn truyền tụng câu chuyện truyền thuyết để lý giải về sự hình thành của 7 hồ 3 thác ở Măng Đen. Truyền thuyết kể rằng, Măng Đen có tên gọi là T’Măng Deeng. T’Măng có nghĩa là nơi ở, còn Deeng là thần linh. T’Măng Deeng theo tiếng phổ thông có nghĩa là nơi trú ngụ của các thần linh.

Xưa kia nơi đây hoa cỏ chen nhau đua nở, từng đàn ong bướm dập dìu bay lượn. Xa xa là những con sông lớn, nước trong vắt uốn lượn theo cánh rừng già. Xuyên qua đó là những đoạn dốc ghềnh, thác nước đổ xuống va vào vách đá tạo nên những âm thanh trầm hùng. Trong rừng, muông thú sống với nhau hòa thuận.

Lúc bấy giờ, Plinh Huynh là vị thần tối cao và có quyền lực nhất ở trên trời. Ngài có quyền năng tối thượng tạo ra và cũng có thể gây đại họa để trừng phạt con người.

Ông A Tạm chia sẻ về việc phát triển du lịch ở 7 hồ, 3 thác nhưng vẫn gắn với gìn giữ môi trường sinh thái. Ảnh: Dung Nguyễn

Ông A Tạm chia sẻ về việc phát triển du lịch ở 7 hồ, 3 thác nhưng vẫn gắn với gìn giữ môi trường sinh thái. Ảnh: Dung Nguyễn

“Sau đại dịch Covid-19, du lịch Măng Đen được nhiều du khách biết và tìm đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, địa phương vẫn ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường. Hàng năm, người dân cùng chính quyền thường xuyên dọn dẹp, chỉnh trang lại các tuyến đường để Măng Đen thêm xanh - sạch - đẹp”, ông A Tạm chia sẻ.

Từ trên cao nhìn xuống, thần Plinh Huynh thấy T’Măng Đeeng là một vùng đất trù phú nhưng hoang dại. Tiếc thay một vùng đất cảnh đẹp tựa chốn bồng lai lại không có người sinh sống. Thần liền phái 7 người con trai của mình xuống hạ giới lập làng và sinh sống. 7 người con trai lần lượt là: Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpông, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng, Gu Kăng Lung và Gu Kăng Pô.

Khi 7 người con đã đến tuổi lập gia đình, thần Plinh Huynh lại hạ phàm, tìm đến các làng lân cận xin cưới những cô gái xinh đẹp, tài giỏi, khéo tay cho con trai mình. Kết hôn xong, 7 cặp vợ chồng ấy lập 7 làng quanh vùng T’Măng Deeng. Plinh Huynh quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh đẻ một lần 20 người con với 10 trai và 10 gái. 7 người chồng được phong làm vị thần cai quản vùng đất đó. Còn những người vợ biến thành linh vật đại diện cho các loài heo, nai, cá, thằn lằn.

Lúc bấy giờ, vợ của Gu Kăng Đam và Gu Kăng Rpông biến thành heo thần gọi là Chu Huynh. Vợ của Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng biến thành nai thần gọi là Zoi Huynh. Vợ Gu Kăng Lung biến thành cá gọi là Ca Huynh và vợ Gu Kăng Pô biến thành thằn lằn gọi là Pô Huynh.

Plinh Huynh cũng đưa ra quy định các vị thần cai quản không được ăn thịt loài vật mà vợ mình cai quản. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị Plinh Huynh trừng phạt. Tất cả những người con trai đều vâng lời cha dặn.

Đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa mát mẻ nên cuộc sống của 7 làng trong vùng T’Măng Deeng rất sung túc. 7 vị thần cai quản ở đây thương dân, chăm sóc cho cuộc sống của bà con từ làm nhà, dạy dệt vải, săn bắt… đến kể chuyện cổ tích, truyền thuyết về làng. Các vị thần cai quản dạy cho con trai, con gái đánh cồng chiêng múa hát. 7 làng đều sống hòa thuận, đoàn kết và hết lòng thương yêu nhau.

Cuộc sống ấm no của họ cứ trôi dần từ đời này qua đời khác. Những đứa trẻ lớn lên, trai thì vào rừng săn bắn, gái thì gùi nước nấu ăn hoặc lên nương trồng bông dệt vải. Cứ thế người già chết đi, người trẻ thì lấy nhau sinh con đẻ cái. Duy chỉ có các vị thần là sống mãi.

Thời gian đầu mỗi năm một lần họ về trời để hội tụ và báo cáo với Plinh Huynh công việc, đời sống của người dân ở trần gian. Lâu dần, cuộc sống ở trần gian làm say mê họ nên chẳng ai về trời nữa.

Dù vậy, mỗi năm lúa đầy kho, heo gà đầy sân, thịt thú rừng, cá ở suối được sấy khô gác đầy chạn bếp và trâu, bò, dê thả trong rừng béo mập, 7 vị thần cai quản dạy dân làm lễ ăn trâu cúng Deeng.

Trong lễ ăn trâu đó người dân mặc những bộ đồ đẹp nhất, ăn uống thỏa thích và ca hát nhảy múa. Mỗi làng cũng dựng cho mình một cây nêu cao và trang trí thật đẹp, sặc sỡ để thể hiện cuộc sống xung quanh với núi non, sông nước và phía trên là Mặt trời.

Thông qua cây nêu (tượng trưng cho đường lên trời) các vị thần cai quản dân báo với Plinh Huynh cuộc sống ở trần gian. Qua cây nêu này các vị thần cũng cầu xin Plinh Huynh cho dân tình được khỏe mạnh, no ấm, lúa đầy kho, heo gà đầy sân, trâu bò đông đúc.

Hồ Đăk Ke hay còn gọi là Toong Rpông nằm yên bình bên những rừng thông bạt ngàn. Ảnh: Trọng Thịnh

Hồ Đăk Ke hay còn gọi là Toong Rpông nằm yên bình bên những rừng thông bạt ngàn. Ảnh: Trọng Thịnh

Giữ trọn lời thề

Đến một ngày, vào dịp cúng Deeng mừng năm mới, dân làng vui vẻ mở hội ăn uống linh đình, hát hò từ đêm này sang đêm khác. Các thần cai quản cùng vui với dân cả tuần mà quên mất điều kiêng kị của Plinh Huynh là không được ăn thịt các con vật mà vợ mình cai quản.

Thế rồi, trong men say, 6 thần cai quản vòng quanh cây nêu uống rượu và ăn hết các loại thức ăn mà dân làng mang đến, trong đó có thịt heo, nai, thằn lằn, cá. Chỉ riêng Pô Huynh vẫn nhớ lời Plinh Huynh không ăn thịt thằn lằn.

Từ trên cao, Plinh Huynh nhìn xuống thấy các con của mình vi phạm luật cấm, ông đùng đùng nổi giận. Plinh Huynh đã dùng phép lạ để trừng phạt những đứa con vi phạm lời thề.

Trong khi dân làng đang tổ chức lễ hội, ăn uống say sưa bỗng dưng giông tố từ đâu nổi lên. Mặt đất ở 6 ngôi làng bị sụt xuống tạo thành những hố lớn. Từ dưới lòng đất khói lửa phun lên mù mịt. Làng mạc, nhà cửa cùng con người đều chìm trong hố lửa. Cùng lúc ấy, 3 tia lửa văng vào vách núi tạo thành 3 dòng thác lớn. Nước từ dòng thác đổ tràn ra dập tắt những ngọn lửa từ các hố. Dòng thác cứ thế chảy mãi chảy mãi rồi đong đầy các hố sụt và biến chúng thành 6 cái hồ lớn.

Riêng làng của Pô Huynh chỉ có một cột khói nhỏ. Dù Pô Huynh không ăn con vật thiêng của làng nhưng Plinh Huynh cho rằng con trai đã không biết nhắc nhở các anh của mình nên phải chọn một trong hai hình phạt. Một là dân làng bị trừng phạt hoặc Pô Huynh phải chết.

Quá thương xót dân làng nên người con trai út tự nhận cái chết về mình. Sợ hãi trước sức mạnh của Plinh Huynh, dân làng Pô Huynh liền chuyển đi nơi khác và làng cũng bị nhấn chìm, tạo thành hồ nước nhỏ. Cũng từ câu chuyện này, những người còn sống sót luôn răn dạy con cháu phải giữ trọn lời thề, không thất hứa và biết ơn những người đã hy sinh, bảo vệ sự yên bình cho dân làng.

7 hồ được gọi theo tên của các Huynh là: Toong Đam, Toong Rpông (hồ Đăk Ke), Toong Zơ Ri, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Li Lung và Toong Pô. Còn ba tia lửa tạo thành 3 dòng thác: Pa Sỹ, Đăk Ke và P ne.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - Phạm Văn Thắng bảo rằng, truyền thuyết “7 hồ, 3 thác” có từ bao giờ chẳng ai rõ. Thế nhưng không chỉ có chuyện ở trên, mà còn có một số dị bản lưu truyền qua lời kể của người Mơ Nâm ở vùng Măng Đen.

Ngày nay, 7 hồ và 3 thác là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách gần xa về với Măng Đen. Thế nhưng, hiện nay một số hồ đã cạn nước nên địa phương có chủ trương khôi phục, chỉnh trang lại nhằm phát triển du lịch. Cùng với đó những hồ, thác như: Thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke… có tiềm năng lớn về du lịch. Chính vì vậy, huyện Kon Plông đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn để xứng tầm với tiềm năng du lịch của địa phương.

Thác Pa Sỹ là nơi 1 trong 3 tia lửa văng vào vách núi tạo thành, ngày nay thu hút đông du khách ghé thăm. Ảnh: Trọng Thịnh

Thác Pa Sỹ là nơi 1 trong 3 tia lửa văng vào vách núi tạo thành, ngày nay thu hút đông du khách ghé thăm. Ảnh: Trọng Thịnh

Hồ Toong Pô là nơi vị thần Pô Huynh nhận cái chết để đổi lấy sự sống cho dân làng. Ảnh: Dung Nguyễn

Hồ Toong Pô là nơi vị thần Pô Huynh nhận cái chết để đổi lấy sự sống cho dân làng. Ảnh: Dung Nguyễn

“Bên cạnh 7 hồ, 3 thác… địa phương cũng phát triển du lịch thông qua việc gìn giữ, phát huy vẻ đẹp truyền thống của người dân. Cùng với những loại nhạc cụ, trang phục truyền thống… bà con có rất nhiều món ẩm thực mang nét riêng của vùng đất Kon Plông thơ mộng, yên bình”, ông Thắng nói.

Ông A Tạm - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết, hiện nay đã có một số hồ và thác trên địa bàn được địa phương hoặc cá nhân, tổ chức đầu tư trở thành địa điểm tham quan, du lịch. Dù thế huyện Kon Plông vẫn yêu cầu các cá nhân, tổ chức phát triển du lịch song song với gìn giữ môi trường sinh thái.

Địa phương cũng tổ chức trồng hơn 12.000 cây mai anh đào để tạo cảnh quan, thu hút du khách và làm xanh hơn mảnh đất Măng Đen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ