Chương trình (CT) cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh được xây dựng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 đến 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu. CT giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Bên cạnh đó, CT hỗ trợ làm phong phú thêm kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Chương trình mang tính chất khung, nội dung gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc phát triển tài liệu, học liệu và tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh. Cấu trúc của CT gồm quan điểm xây dựng chương trình, Mục tiêu, Yêu cầu cần đạt, Nội dung, Phương pháp giáo dục, Đánh giá kết quả giáo dục và Hướng dẫn tổ chức thực hiện. Mục tiêu tổng quát được xây dựng nhằm giúp trẻ trải nghiệm, làm quen và hứng thú với tiếng Anh.
Trẻ sẽ bước đầu hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng của trẻ; góp phần phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Phương pháp giáo dục cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh nhấn mạnh vào việc hình thành năng lực giao tiếp với nhóm các phương pháp chủ đạo gồm: thực hành trải nghiệm, dùng lời nói, trực quan minh họa, giáo dục bằng tình cảm, nêu gương, khích lệ, khuyến khích phản hồi của trẻ bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện các vụ chức năng và chuyên gia đã cho ý kiến từ tên gọi chương trình cho đến những vấn đề kỹ thuật đi kèm như nội dung kiến thức, kỹ năng và vấn đề nhân sự, kinh phí, cũng như việc đảm bảo tính quy phạm pháp luật của văn bản… Quan điểm xuyên suốt là sao cho thông tư khi ban hành phải đạt được các yêu cầu đề ra, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu hỗ trợ, làm phong phú thêm khả năng tiếp cận ngôn ngữ của trẻ và tiếp xúc với các nền văn hóa khác.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đại diện các Vụ chức năng về những nội dung kỹ thuật liên quan. Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục Mầm non tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, làm rõ hơn nội dung và phương pháp học tập... Sớm hoàn thiện văn bản để khi dự thảo thông tư đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận phải đảm bảo được yêu cầu cao về các nội dung đề ra.