Hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, việc kê khai minh bạch, xác minh tài sản của cán bộ, công chức chưa chính xác.

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn Ngành thanh tra đã tiến hành 6.977 cuộc thanh tra KT - XH, trên 1.200 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội (BHXH)…

Các bộ ngành địa phương đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đạt tỷ lệ trên 84% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, đã phát hiện nhiều vụ sai phạm, kiến nghị thu hồi 8.152,6 tỷ đồng, 2.108,5ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 562 tập thể, 2.035 cá nhân…

Kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng, giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Nhà nước quan tâm, Chính phủ, các cấp các ngành có nhiều cố gắng, do đó các giải pháp phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực, có những bước chuyển biến rõ rệt.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, kết quả thực hiên các biện pháp phòng, chống tham nhũng, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã triển khai tích cực, với nhiều giải pháp như tăng cường cải cách hành chính trên các lĩnh; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ, tiếp tục tiến hành việc minh bạch tài sản, thu nhập… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế như chất lượng cải cách hành chính, việc kê khai minh bạch, xác minh tài sản của cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm người dứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng… việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra còn chậm, nhiều sai phạm được phát hiện nhưng xử lý hình sự còn ít. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bảo đảm thực hiện có hiệu quả như thực hiện đề án cải cách chế độ tiền lương; công khai minh bạch trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Về kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2010 trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán NSNN năm 2010, giảm bội chi NSNN. Trong 9 tháng qua, Ngành Tài chính đã tiến hành 12.104 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng NSNN tại 14.349 đơn vị, đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 4.105, 9 tỷ đồng… Một số bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm Quy chế tổ chức tài sản, hàng hóa từ NSNN, mua sắm mới xe ô tô phục vụ cho công tác, thay thế xe đủ điều kiện thanh lý chỉ áp dụng với các chức danh có tiêu chuẩn, đơn vị mới thành lập, các đơn vị hoạt động trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Về công tác quản lý đất đai, tài nguyên, trong 9 tháng qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiến nghị xử lý vi phạm 21.746ha đất các loại, kiến nghị thu hồi 904 ha đất…

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, kết quả đạt được về thực hành tiết kiệm có khá hơn, thể hiện ý thức tiết kiệm của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa xác định được trọng tâm trong từng cơ quan, đơn vị và trên địa bàn từng địa phương nên chưa thật sự chuyển biến rõ nét; công tác quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên vẫn còn tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao dự toán vượt định mức; công tác quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển tổng thế KT - XH còn nhiều hạn chế… Ủy ban Tài chính và Ngân sách nêu một số kiến nghị như tiếp tục triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như quản lý việc sử dụng ngân sách trong các lĩnh vực mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đất đai…

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ